Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là sự kiện chính trị có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cả nước và từng địa phương.
Cuộc bầu cử được tổ chức vào thời điểm đất nước ta đã đi qua 35 năm đổi mới, đạt nhiều thành tựu rất quan trọng, toàn diện trong giai đoạn 2016 – 2020 nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức phía trước. Nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân; triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã và đang đặt ra các yêu cầu mới cao hơn đối với tổ chức, hoạt động của Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Chính vì thế, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐNC) các cấp diễn ra vào ngày 23/5 tới được Đảng và Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị trong năm 2021. Đây là đợt vận động và sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu ưu tú, đại diện cho nhân dân cả nước tại Quốc hội khóa XV, và các đại biểu tại HĐND các cấp trong nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Xác định công tác bầu cử 2021 là cơ hội để người dân thực hiện quyền làm chủ thông qua việc lựa chọn, bầu ra những đại biểu thực sự có đức, có tài, Bộ Chính trị Đảng ta đã ra chỉ thị yêu cầu “kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước".
Chỉ thị của Bộ Chính trị cũng yêu cầu bầu cử phải "bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn".
Trên tinh thần đó, công tác chuẩn bị nhân sự tham gia ứng cử ĐBQH khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được tiến hành thận trọng, bảo đảm đúng quy trình lựa chọn, giới thiệu người ứng cử. Các tổ chức, đơn vị hiệp thương, giới thiệu người ra ứng cử đảm bảo các tiêu chuẩn do luật định, thực sự tiêu biểu, không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm. Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết... cũng không thể trở thành ứng cử viên trong cuộc bầu cử này.
Quá trình hiệp thương cũng đã cân đối hợp lý cơ cấu kết hợp, cơ cấu định hướng thành phần đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; chú ý đến việc bảo đảm tỷ lệ ứng cử là nữ, trẻ tuổi, ngoài Đảng, dân tộc thiểu số, có trình độ chuyên môn cao và đại diện cho các thành phần xã hội.
Tính đến ngày 19/3/2021, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã hoàn thành việc tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội và người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở các cấp. Tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội là 1.084 người (trong đó có 205 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương giới thiệu, 803 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương giới thiệu, 76 người tự ứng cử), đạt tỷ lệ bình quân 2,17 lần so với tổng số đại biểu Quốc hội được bầu.
Các hoạt động lấy ý kiến, tín nhiệm của cử tri ở nơi cư trú và công tác của những người được giới thiệu ứng cử cũng đã được tổ chức một cách rộng rãi, dân chủ, thực chất, là cơ hội để người dân có dịp bày tỏ ý kiến, nhận xét về những gương mặt tiềm năng đại diện họ tại cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Đặc biệt, cử tri có quyền tố cáo về người ứng cử, hoặc những sai sót trong việc lập danh sách ứng cử. Trong trường hợp những khiếu nại, tố cáo đã rõ ràng, có đủ cơ sở kết luận người ứng cử không đáp ứng đủ tiêu chuẩn của ĐBQH thì Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ quyết định xóa tên người đó trong danh sách chính thức những người ứng cử và thông báo cho cử tri biết.
Những quy định chặt chẽ, minh bạch trong pháp luật về bầu cử nhằm hướng đến mục tiêu cao nhất là đảm bảo quyền dân chủ của nhân dân trong việc lựa chọn ra những đại biểu xứng đáng đại diện nhân dân gánh vác việc nước, nâng cao chất lượng đại biểu cũng như hiệu quả hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Lá phiếu của người cử tri tuy khuôn khổ bé nhỏ, nhưng giá trị của nó thì vô cùng to lớn. Nhân dân ta đã trải qua biết bao gian khổ, hy sinh biết bao xương máu trong cuộc cách mạng đánh đổ thực dân và phong kiến mới giành được nó... Vì vậy, đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vừa là quyền lợi quý báu, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người cử tri”.
Bỏ lá phiếu bầu cử không chỉ là niềm vinh dự được thực hiện quyền dân chủ, mà còn là nghĩa vụ với mỗi công dân, thể hiện trách nhiệm của mình với vận mệnh đất nước.
Trên thực tế qua các cuộc bầu cử trong lịch sử, bên cạnh số đông cử tri tâm huyết với đất nước, có tinh thần trách nhiệm công dân cao, vẫn còn một bộ phận cử tri có biểu hiện bàng quan, thiếu quan tâm, coi bầu cử là “việc của chính quyền”, không liên quan đến bản thân mình, nên không tham gia bỏ phiếu hoặc nhờ người bỏ hộ. Không ít cử tri đến khi đi bỏ phiếu vẫn không hay biết gì về các ứng cử viên, chỉ gạch tên các đại biểu ứng cử một cách “cảm tính”, ngẫu nhiên và “cho xong”.
Những cử tri như vậy không chỉ tự tước bỏ quyền lợi thiêng liêng của chính mình, mà còn thể hiện lối hành xử thiếu trách nhiệm với đất nước, với dân tộc, và với chính gia đình, bản thân mình.
Hơn lúc nào hết, khi đất nước ta đang bước vào một vận hội mới, trước những cơ hội và thách thức lớn như hiện nay, lá phiếu của mỗi cử tri phải là những lá phiếu tâm huyết, trách nhiệm, đong đầy niềm tin gửi gắm nơi người đại biểu mà họ tin tưởng sẽ là những “công bộc của dân”, những người đại diện xứng tầm, đủ tài đủ đức để bàn bạc và quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước, của nhân dân.