Năm 1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành dưới cái tên Văn Ba xin làm phụ bếp trên một chiếc tàu rời cảng Sài Gòn đi Marseille (Pháp), khởi đầu hành trình tìm đường cứu nước đầy gian lao. Đi khắp năm châu bốn bể, tích cực tham gia phong trào cách mạng của nhân dân lao động, nghiên cứu các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng phải đến khi tiếp cận với chủ nghĩa Mác và lập trường của Lênin trong tác phẩm Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, Người mới vui mừng phát khóc, ngồi một mình trong buồng mà nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!
Sau đó, tại Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc (tên chính thức ký vào bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi hội nghị các nước đế quốc sau chiến tranh thế giới thứ nhất của Nguyễn Tất Thành) đã bỏ phiếu ủng hộ Quốc tế thứ ba, trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và là người cộng sản Việt Nam đầu tiên.
Ngày 3/2/1930, tại Hồng Kông, Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị cũng thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt, Chương trình tóm tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc dự thảo.
Với đường lối đúng đắn, trải qua các cao trào cách mạng như Xô Viết Nghệ Tĩnh, chỉ 15 năm sau, vào mùa thu lịch sử năm 1945, một đảng cộng sản non trẻ với chỉ hơn 5.000 đảng viên đã lãnh đạo quần chúng chớp thời cơ nổi dậy giành chính quyền, thành lập ra nhà nước dân chủ cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên quyền làm chủ đất nước thuộc về nhân dân.
Tiếp đó, để bảo vệ thành quả của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Sau 30 năm đấu tranh kiên cường, bền bỉ với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, đất nước mới hoàn toàn thống nhất, chấm dứt ách thống trị tàn bạo hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Mặc dù tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến động phức tạp, vừa phải thường xuyên đối phó với những âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động, vừa phải xây dựng cuộc sống mới từ một nền kinh tế lạc hậu, bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã phấn đấu gian khổ và thu được những kết quả hết sức quan trọng.
Đặc biệt là sau 30 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN từng bước hình thành, phát triển. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Văn hóa xã hội có bước phát triển; đời sống nhân dân có nhiều thay đổi. Dân chủ XHCN được phát huy và ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ XHCN được giữ vững. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.
Những thành tựu đó tạo tiền đề quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới; khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên CNXH của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử.
Tuy nhiên, con đường cách mạng để hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” của dân tộc ta vẫn còn nhiều chông gai. Tình hình thế giới vẫn biến động khó lường như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, các thế lực thù địch vẫn ra sức chống phá, những diễn biến phức tạp trên Biển Đông… luôn khiến chúng ta phải cảnh giác, có những biện pháp ứng phó kịp thời, linh hoạt, khôn khéo nhưng cũng phải giữ vững lập trường, nguyên tắc. Đặc biệt là nguy cơ giặc “nội xâm” mà Đảng đã chỉ ra. Đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, dẫn đến các hành vi tham nhũng, “tự diễn biến, tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ, những thông tin xấu độc, vu khống, xuyên tạc lịch sử và tình hình hình đất nước, đòi đa nguyên đa đảng theo mô hình bên ngoài, “đòi xét lại” con đường cách mạng của nhân dân ta… đang tác động không nhỏ đến tâm lý, tư tưởng của cán bộ, nhân dân.
Kỷ niệm 74 năm Quốc khánh 2/9, chúng ta hiểu rằng, con đường cách mạng dẫn tới độc lập dân tộc, ấm no hạnh phúc cho nhân dân đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn đúng đắn và lịch sử đã chứng minh. Bởi vậy, trước hết ở mỗi cán bộ, đảng viên cần có niềm tin sắt đá như các bậc tiền bối, lãnh đạo quần chúng nhân dân vượt qua khó khăn thử thách, kiên định với con đường mà Đảng, Bác Hồ đã vạch ra để “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” như di nguyện của Người.