CPTPP – Cần chuẩn bị khi ra biển lớn

Hồi nhỏ, đám nhóc tỳ chúng tôi mê đá bóng lắm, suốt ngày quần đùi cởi trần chạy theo trái bóng trên sân phơi hợp tác xã hay những thửa ruộng vừa gặt xong, quên cả ăn.

Chú thích ảnh
Nguồn TTXVN

Thời ấy, làng tôi có nhiều đứa đá hay thật. Thằng Huy Ronaldo, thằng Chiến Nesta, xem chúng nó đá mê tít. Tuy nhiên, nổi bật nhất trong đội phải kể tới Hùng. Thằng này đá tiền vệ, một chuyên gia thuộc dạng “chém đinh chặt sắt” và hơi liều. Chính lối đá rắn, nhiều lúc theo kiểu “luật phủi” của Hùng mà hầu hết các đối thủ đều ngán khi gặp chúng tôi.

Rồi một ngày, bác chủ tịch xã gọi mấy thằng lên bảo huyện nhà sắp tổ chức giải bóng đá, đội bóng sẽ tham gia thi đấu. Mấy đứa rủ nhau ra chợ huyện mua quần đùi áo số, giầy bata đàng hoàng. Oai và không khác gì chuyên nghiệp. Cả bọn sung sướng và háo hức vô cùng vì sắp được ra “biển lớn” tranh tài.

Thế nhưng hy vọng bao nhiêu thì lại thất vọng bấy nhiêu. Ngay trong trận đầu tiên, trọng tài phạt Hùng thẻ đỏ vì lỗi thô bạo và chúng tôi thua đau. Đội bóng nhiều anh tài và được đánh giá rất cao của tôi bị loại ngay vòng đấu bảng trong sự ngỡ ngàng của nhiều người.

Mãi sau này tôi mới hiểu, à thì ra chúng tôi đã không được chuẩn bị tốt khi tham gia giải. Chúng tôi đã không hiểu rằng đây là giải đấu có trọng tài và không hiểu rõ luật mà cứ hồn nhiên đá bóng như đá trên sân phơi hợp tác xã vậy. Không thể khoác lên mình bộ quần áo chuyên nghiệp mà thay đổi chất lượng đội bóng. Chúng tôi đã thua trong lần ra biển lớn như thế.

Trong những ngày đầu năm 2019 này, cả nước đang hân hoan dõi theo từng bước tiến của Đội tuyển bóng đá nam Việt Nam tại Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Lối đá của đội tuyển khi ra “biển lớn” Asian Cup 2019 đang làm nức lòng người hâm mộ quê nhà. Tuy nhiên, cũng còn một “biển lớn” khác đang chờ đợi màn trình diễn của Việt Nam chúng ta, đó là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Ngày 14/1/2019, Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam. Trước đó, CPTPP đã có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 đối với nhóm sáu nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn hiệp định, gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia.

CPTPP là một hiệp định thương mại tự do đa phương “thế hệ mới” theo cơ chế mở, không chỉ bao gồm các vấn đề mở cửa thị trường, hàng hóa và dịch vụ mà còn cả những lĩnh vực phi thương mại. Theo ước tính, CPTPP sẽ hình thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với 500 triệu dân, có tổng kim ngạch 10.000 tỷ USD, chiếm 13,4% GDP toàn cầu và khoảng 2/3 số mặt hàng được giảm thuế về mức 0%. Đặc biệt, CPTPP sẽ khơi thông các dòng vốn đầu tư giữa 11 nước thành viên. Theo tính toán, trong vòng 10 năm nữa, CPTPP sẽ tạo ra mỗi năm thêm 1% GDP toàn cầu.

Đối với Việt Nam, tham gia hiệp định CPTPP là một bước tiến dài trong quá trình hội nhập quốc tế, nhưng thời cơ và thách thức luôn song hành. Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế, CPTPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm khoảng 33,5 tỷ USD và xuất khẩu tăng thêm tỷ USD vào năm 2025. CPTPP mang lại cho Việt Nam các cơ hội mới từ chuỗi cung ứng mới hình thành, đồng thời cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Trên thực tế, nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài đã đầu tư dự án mới hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam trong các lĩnh vực như điện tử, chế biến thủy sản, dệt may, giày da, chế biến gỗ để… đón đầu CPTPP. Ngoài ra, với các tiêu chuẩn rất cao về quản trị minh bạch và hành xử khách quan của bộ máy nhà nước, CPTPP sẽ giúp Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa; thúc đẩy hoàn thiện bộ máy theo hướng tinh gọn, trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương và phòng chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí.

Tuy nhiên, tham gia CPTPP đồng nghĩa với việc Việt Nam đã bước vào một sân chơi lớn tiềm ẩn rất nhiều thách thức và rủi ro, trong đó có sức ép mở cửa thị trường và khả năng “sinh tồn”, cạnh trạnh của các doanh nghiệp Việt Nam. Theo các chuyên gia, tham gia CPTPP có nghĩa là "đường đã thông, song xe có chạy được không và đi được bao xa còn tùy thuộc vào chất lượng xe và lượng xăng nhiều ít. Thị trường đã mở, cơ hội đang tới song nếu không chủ động tìm hiểu, thâm nhập thì cũng không chiếm lĩnh được”.

Nếu không có sự chuẩn bị tốt, các doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ bị ngợp trong sân chơi “biển lớn” mới này và có thể bị thua ngay trên sân nhà. Thậm chí, nếu không được chuẩn bị tốt, Việt Nam không những sẽ bỏ lỡ cơ hội tốt từ CPTPP, mà còn đối mặt với nguy cơ dâng luôn thị trường hơn 90 triệu dân cho các đối tác trong hiệp định.

Hơn 1 tuần đã qua kể từ ngày CPTPP chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam, cần sớm đẩy nhanh tiến trình Chính phủ và các Bộ, ngành ban hành những văn bản quy phạm pháp luật cần thiết để đưa hiệp định vào thực thi. Công tác thông tin, tuyên truyền cũng cần kịp thời, đầy đủ hơn về các nội dung hiệp định để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân.  

Đường lớn đã mở, xe đã chạy. Chỉ có sự chuẩn bị tốt, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng với đó là việc nắm rõ và tôn trọng luật chơi trong CPTPP, các doanh nghiệp Việt Nam mới có thể vượt qua thách thức và nắm bắt các thời cơ khi tham gia sân chơi “biển lớn” này.

Trần Thanh Tuấn
Hội đồng CPTPP khẳng định quyết tâm thực thi đầy đủ thỏa thuận
Hội đồng CPTPP khẳng định quyết tâm thực thi đầy đủ thỏa thuận

Ngày 19/1, cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTT) đã được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản với sự tham dự của bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và tương đương của 11 nước thành viên. Dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự cuộc họp là Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN