Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã xác định: "Nguy cơ tệ nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tiêu cực xã hội, làm suy yếu Đảng. Tham nhũng là thứ “giặc nội xâm”, đe dọa sự tồn vong của đất nước, chế độ”.
Tại Hội nghị Trung ương 6, khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khái quát quyết tâm chính trị của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: “Ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”.
Dẫu biết rằng, tham nhũng, tiêu cực dù còn phức tạp, nhưng những kết quả phòng, chống tham nhũng trong nhiệm kỳ Đại hội XII rõ ràng đã củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Ý kiến của các tầng lớp nhân dân trên diễn đàn Quốc hội, tại các cuộc tiếp xúc cử tri và nhiều diễn đàn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội… đã nói lên điều đó.
Bài học thực tiễn đã giúp Đảng ta rút ra rằng, không thể dập “dịch” tham nhũng chỉ bằng giáo dục suông. Cùng với hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật, để bịt kín các lỗ hổng khiến quan chức “không thể tham nhũng”, việc liên tiếp các vụ án tham nhũng được truy tố, xét xử công khai, không có giới hạn, không có vùng cấm đã mang tính răn đe, giáo dục rất cao, khiến quan chức “không dám tham nhũng”.
Với quyết tâm chính trị cao cùng hành động quyết liệt, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản. Tính nghiêm minh trong kỷ luật Đảng là tiền đề, “mở đường” cho xử lý kỷ luật hành chính và xử lý theo pháp luật đối với cán bộ, đảng viên vi phạm, đặc biệt là những cán bộ có chức quyền…, đã góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Hiệu quả mang lại từ cuộc chiến này không chỉ là tài sản, mà còn qua xử lý tham nhũng giúp thanh lọc bộ máy, thanh lọc cả những cơ chế, chính sách, kẽ hở pháp luật tiếp tay cho tham nhũng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng, nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh, uy tín của Đảng và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm”.
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, đã có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị). Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành kiên quyết, không khoan nhượng, không bỏ lọt tội phạm. Phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” đã được các cơ quan chức năng quán triệt thực hiện nghiêm túc, xuyên suốt và có hiệu quả.
Có thể nói, quyết tâm chính trị của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cùng với phương châm nhất quán “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” là chỗ dựa vững chắc cho các cơ quan tư pháp trong phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng. Từ năm 2013 đến nay, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó có 1.900 vụ án tham nhũng, với gần 4.400 bị cáo.
Riêng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng đã đưa vào theo dõi, chỉ đạo hơn 800 vụ án, vụ việc, trong đó trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 133 vụ án, 94 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Các cơ quan đã đưa ra xét xử sơ thẩm 86 vụ án, 814 bị cáo, trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự (1 Ủy viên Bộ Chính trị, 7 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, 7 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang...).
Những con số nói trên thêm một lần khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, rằng "không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào" và không “chùng xuống” . Nhiều vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, kể cả những vụ tồn đọng từ nhiều năm trước đã được xử lý dứt điểm, nghiêm minh, đúng pháp luật, không để tình trạng “chìm xuồng”.
Cũng phải nhìn nhận rằng, tiến trình đổi mới, phát triển thì tình trạng tham nhũng ngày càng tinh vi, nghiêm trọng và phức tạp hơn. Từ những hành vi đưa và nhận hối lộ khá thô sơ thời kỳ đầu đổi mới, tham nhũng hiện đã phát triển thành các “nhóm lợi ích” đan xen, chui sâu vào cả những cơ quan quyền lực cấp cao...
Bởi vậy, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng mà Đảng và nhân dân ta đang thực hiện sẽ còn phải đối mặt với muôn vàn thử thách. Một trong những vấn đề được người dân quan tâm trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là phải thu hồi tài sản từ các vụ án tham nhũng. Kết quả của cuộc đấu tranh này thành công đến đâu, phải được đánh giá trên cơ sở thu hồi tài sản do tham nhũng mà có.
Để công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, sự đồng lòng của toàn dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đóng vai trò rất quan trọng. Trong đó, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan thông tin đại chúng… đã tạo nên sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng với “giặc nội xâm”.
Phải khẳng định rằng, từ kết quả đạt được trong thời gian qua, với quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác phòng, chống tham nhũng nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng sẽ có bước tiến mạnh mẽ; góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin và sự chờ đợi của các tầng lớp nhân dân.