Tình trạng nhà vườn ở Long An ồ ạt chặt bỏ thanh long ruột trắng để trồng thanh long ruột đỏ trong những ngày vừa qua đang khiến nhiều người lo ngại. Một số nhà vườn giải thích rằng, họ chặt bỏ thanh long ruột trắng là bởi thanh long ruột đỏ đang được thị trường Trung Quốc ưa chuộng nên giá bán cao hơn. Nói dại, nếu thị trường Trung Quốc bất ngờ trở chứng, thì những nhà vườn nói trên chắc chỉ còn biết ngửa mặt kêu trời.
Thực ra, chuyện nhà nông mải chạy theo lợi nhuận, mà chưa tính toán kỹ thiệt hơn không phải chỉ xảy ra đối với cây thanh long, mà cũng không chỉ xảy ra ở Long An. Người tiêu dùng trong nước từng nhiều lần phải tham gia chiến dịch “giải cứu” nông sản cho nhà nông. Bài học “được mùa rớt giá” và tình trạng người nông dân bị ép giá… không phải chỉ xảy ra một lần, ở một địa phương, mà đã trở thành phổ biến.
Hẳn nhiều người chưa thể quên bài học dưa hấu chất đống ở ruộng, người dân chẳng buồn thu hoạch, bỏ mặc cho trâu bò ăn vì bán rẻ như cho, xảy ra cách đây 2 năm ở một số tỉnh miền Trung (Quảng Ngãi, Bình Thuận). “Vụ” dưa hấu ở miền Trung chưa kịp lắng, thì số phận của củ hành tím ở Sóc Trăng cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Đây là những sản phẩm chủ yếu được xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và khi đã độc quyền tiêu thụ, thương lái Trung Quốc “làm mình làm mẩy”, ép giá, đẩy người sản xuất trong nước vào con đường cùng. Hầu như mọi diễn biến bất lợi về cả thời tiết, môi trường và thị trường đều đổ lên vai người nông dân… Họ gần như không có phương tiện gì để chống đỡ, ngoại trừ sự hỗ trợ của Nhà nước và sự chia sẻ của đồng bào cả nước.
Bởi vậy, cứ sau mỗi đợt nông sản ùn ứ, giá rớt mạnh, vấn đề đầu ra của nông sản lại trở thành vấn đề bức xúc. Tình trạng người dân chặt bỏ thanh long ruột trắng sang trồng thanh long ruột đỏ, một lần nữa cho thấy những bất cập trong công tác quy hoạch, sản xuất, tiêu thụ ở từng địa phương cũng như cơ quan quản lý nhà nước. Cần phải nhìn nhận rằng, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của bà con nông dân còn mang tính tự phát, thị trường tiêu thụ chưa ổn định và thực trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún đã tạo nên một bức tranh đầu ra của nông sản rất bấp bênh. Những chủ thể như người nông dân trực tiếp tạo ra sản phẩm chịu nhiều thiệt thòi, doanh nghiệp khó có thể tổ chức thu mua sản phẩm.
Rất nhiều ý kiến cho rằng, ngoài yếu tố quá lệ thuộc vào một thị trường, tình trạng dư thừa nông sản thời gian qua là hệ quả của việc thiếu đội ngũ doanh nghiệp đầu tư chuyên sâu vào lĩnh vực này. Thực tế, hiện ở nước ta, rất ít doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và chế biến nông sản nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị và hàm lượng công nghệ cao để đa dạng hóa thị trường, nâng giá trị xuất khẩu.
Không khó lý giải vì sao nông sản ở nước ta vẫn chủ yếu bán thô và nhiều thời điểm nguồn cung bị dư thừa. Một số chuyên gia nông nghiệp thừa nhận, công tác xúc tiến, mở rộng thị trường xuất khẩu hiện rất yếu kém. Để tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho xuất khẩu, nhưng khi triển khai lại vướng ở nhiều khâu, bởi vậy không ít doanh nghiệp rất ngại đầu tư vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương có trách nhiệm tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, nhưng nhiều năm qua vẫn chưa thể giúp nông dân có thêm thị trường xuất khẩu mới.
Vấn đề nông sản bí đầu ra cũng cho thấy những bất cập trong công tác quy hoạch và định hướng sản xuất cho nhà nông. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từng nhiều lần cảnh báo các địa phương về vấn đề phá vỡ quy hoạch mùa vụ, cây trồng, tuy nhiên tình trạng này vẫn tiếp tục xảy ra. Để tạo đầu ra ổn định, bền vững cho nông sản, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh yếu tố về khoa học kỹ thuật, về cơ cấu cây trồng… thì rất cần sự định hướng cho người nông dân trước những diễn biến khó lường của thị trường. Phải khẳng định rằng, nếu có dự báo chính xác về nhu cầu thị trường, đưa ra quy hoạch đúng đắn, không để người dân phá vỡ quy hoạch…, chắc chắn tình trạng bấp bênh trong tiêu thụ nông sản sẽ giảm.