Để dân tâm phục khẩu phục

"Tiếp công dân phải gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo, làm cho người dân tâm phục khẩu phục thì luật mới khả thi" - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu như vậy trong phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Tiếp công dân diễn ra ngày 19/8. Theo Chủ tịch Quốc hội, điều làm ông "lo lắng nhất là tình trạng giải quyết khiếu nại, tố cáo vòng vo, vượt cấp, đơn chuyển đi cứ bay như chim".

 

Thảo luận dự án Luật Tiếp công dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định rằng, thời gian qua, công tác tiếp dân đã bộc lộ nhiều mặt hạn chế, bất cập. Lãnh đạo một số cơ quan, tổ chức nhà nước chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tiếp dân. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân, biểu hiện thái độ không đúng mực, thiếu tinh thần trách nhiệm với việc khiếu nại, tố cáo của người dân. Việc tiếp dân còn hình thức, chưa hiệu quả, có tình trạng khoán trắng cho công chức tiếp dân. Tình trạng né tránh hoặc không làm tròn trách nhiệm, mắc sai sót trong việc tiếp dân vẫn còn xảy ra...


Phải thấy rằng, tồn tại lớn nhất trong công tác tiếp dân chủ yếu liên quan đến lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tập trung ở địa bàn có quy hoạch về giao thông, khu công nghiệp, khu kinh tế, đô thị..., tạo thành điểm nóng ở nhiều địa phương. Các vụ khiếu kiện phần lớn liên quan đến giá cả đền bù chưa hợp lý; thiếu công khai, minh bạch; công tác thu hồi, giải phóng mặt bằng không thống nhất... Đặc biệt, có những vụ việc giải quyết còn thiếu công khai, dân chủ, xem nhẹ công tác đối thoại với dân. Lãnh đạo nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương còn chểnh mảng nhiệm vụ tiếp dân, khiến người dân phải đi lại, chờ đợi vất vả, tốn kém. Tại nhiều địa phương, vẫn còn tình trạng người dân khi đến trụ sở tiếp dân không có chỗ ngồi, phải vạ vật trên vỉa hè, dưới lòng đường... Rất nhiều vụ việc đã trở nên phức tạp khi chính quyền địa phương, cơ quan chức năng vô cảm trước những bức xúc của dân, giải quyết không thấu tình đạt lý, khiến người dân giảm lòng tin vào bộ máy công quyền.


Trước đòi hỏi cần sớm hoàn thiện khung pháp lý, đồng thời khắc phục những mặt còn hạn chế trong công tác tiếp dân, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án đổi mới công tác tiếp công dân”, trong đó nhấn mạnh vai trò của các cấp chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác này. Đây cũng được coi là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá năng lực, hiệu quả công tác của cấp ủy Đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ tiếp dân.


Hơn thế, với việc đưa dự án Luật Tiếp công dân vào phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này, một lần nữa thể hiện rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước ta trong việc xây dựng một nhà nước pháp quyền, do dân và vì dân. Bởi có gắn bó mật thiết với dân, lắng nghe tiếng nói của dân, làm tốt các công việc vì lợi ích của dân, chính là góp phần củng cố bộ máy, tạo dựng được uy tín của Ðảng, của chính quyền đối với nhân dân.


Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN