Theo cam kết khi gia nhập WTO, bắt đầu từ năm 2015, tức chỉ chưa đầy một tháng nữa, Việt Nam sẽ cho phép thành lập các công ty bán lẻ 100% vốn đầu tư nước ngoài. Điều đó có nghĩa, các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia có điều kiện tham gia vào thị trường Việt Nam nhiều hơn. Nhưng với các doanh nghiệp trong nước sẽ đứng trước những thách thức to lớn, sự cạnh tranh khốc liệt trong việc giữ thị trường và thương hiệu của mình.
Phải thấy rằng, thế mạnh của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài là vốn, công nghệ, tính chuyên nghiệp, đặc biệt là hệ thống chuỗi xuyên quốc gia rất mạnh. Còn với doanh nghiệp trong nước, thế mạnh của họ là hiểu rõ thị trường Việt Nam, nhu cầu và thị hiếu cũng như thói quen của người tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, trong nhiều năm trở lại đây, các doanh nghiệp trong nước cũng ý thức rõ cần có sự kết nối giữa sản xuất, cung ứng dịch vụ, đối tác, thị trường. Không những thế, các doanh nghiệp nội địa còn có sự ủng hộ của người tiêu dùng cũng như của các cơ quan, tổ chức trong nước. Ở cấp vĩ mô, đã có nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp trong nước nắm bắt cơ hội phát triển.
Nhiều chương trình kích cầu bước đầu đã phát huy hiệu quả, như cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu… đã và đang tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước. Những chính sách, chương trình hành động, công cụ kích cầu của Nhà nước thời gian qua cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thử thách, phát triển được thương hiệu của mình.
Khách quan mà nói, thì bên cạnh thách thức, việc đầu tư của các nhà bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam ở chừng mực nào đó cũng mang lại một số lợi ích: Người tiêu dùng trong nước có nhiều lựa chọn hơn; các nhà bán lẻ Việt Nam có cơ hội để học hỏi, phấn đấu sản xuất để tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng tốt hòng chiếm lĩnh thị trường mới. Còn với các nhà quản lý, thì họ có điều kiện để hoàn thiện các chính sách cho thị trường, tiếp cận các kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất, phát triển dịch vụ, quảng bá thương hiệu, chăm sóc khách hàng...
Vấn đề đặt ra là, muốn không bị lép vế và bị thâu tóm thị phần, các doanh nghiệp trong nước cần có sự chuẩn bị kỹ càng và đồng bộ hơn. Ngay từ khâu sản xuất, cần có quy hoạch chi tiết trong tổng thể chuỗi giá trị chung và nâng cao tính định hướng đối với các thực thể sản xuất kinh doanh. Mặt khác, sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung hơn ở đầu nguồn và thượng tầng trong chuỗi giá trị, thay vì chỉ ở khâu sản xuất gia công, đầu tư công nghiệp hỗ trợ cũng cần tương xứng hơn. Hiện người tiêu dùng có thể ủng hộ hàng Việt thông qua cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhưng bản chất của vấn đề là phải sản xuất hàng hóa bảo đảm chất lượng, giá cả cạnh tranh, nguồn cung ổn định thì mới cạnh tranh bền vững với hàng ngoại nhập.
Trong những năm gần đây, các mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến, giày dép, quần áo, thủ công mỹ nghệ, thủy hải sản... của Việt Nam đã thâm nhập vào thị trường nhiều nước với chất lượng ngày càng tăng. Tuy vậy, có gần 90% hàng Việt Nam phải vào thị trường thế giới thông qua trung gian dưới dạng thô, hoặc gia công cho các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài. Do đó, người tiêu dùng nước ngoài vẫn còn chưa có khái niệm về hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam. Đây là một sự yếu kém đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp có lượng sản phẩm lớn xuất khẩu cần sớm có giải pháp khắc phục.
Thực tế cho thấy, thị trường nội địa vẫn hết sức tiềm năng. Điều quan trọng là các doanh nghiệp phải biết cách khai thác và chiếm lĩnh được thị phần. Do vậy, ngoài việc liên kết trong sản xuất, các doanh nghiệp trong nước cần mở rộng hệ thống phân phối, đưa hàng hóa đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước, nhằm khẳng được chất lượng hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh với các nhãn hàng ngập ngoại.
Yến Nhi