Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng cuối cùng năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt quan tâm đến việc chăm lo Tết cho người nghèo, các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng và người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã ban hành Quyết định số 56/QĐ-CTN về việc tặng quà Tết cho người có công với cách mạng như: Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ.
Cũng theo Thủ tướng, trong hai tháng gần đây, rét đậm, rét hại kéo dài tại các vùng Bắc Bộ và một số tỉnh miền Trung đã gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân. Các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức cứu trợ, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; tổ chức thăm hỏi, động viên cả vật chất lẫn tinh thần cho các gia đình nghèo, các đối tượng chính sách; thực hiện tốt các công tác an sinh xã hội như hỗ trợ về nhà ở, xóa nhà dột nát; hỗ trợ tín dụng cho đồng bào dân tộc thiểu số để ổn định chỗ ở, phát triển sản xuất…
Tết Canh Tý 2020 đã cận kề, với tinh thần “không để ai ở lại phía sau”, “mọi người, mọi nhà đều có Tết”, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đã dành sự quan tâm đặc biệt để chăm lo Tết cho các đối tượng trên. Trên khắp cả nước, rất nhiều hoạt động “tương thân, tương ái” đã được tổ chức với hy vọng mang một cái Tết vui vẻ, đầm ấm đến các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng chính sách.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể phải quan tâm chăm lo Tết cho người nghèo, không để người nghèo nào trên cả nước đứt bữa trong dịp Tết, dù hoàn cảnh khó khăn đến đâu cũng phải lo cho các gia đình được đón Tết vui vẻ, đầm ấm. Phải lo Tết Nguyên đán cho người dân theo tinh thần đã chăm lo tốt thì vẫn cần cố gắng làm tốt hơn".
Trên cơ sở rà soát, đề xuất của các địa phương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ 1.533 tấn gạo từ nguồn dự trữ nhà nước cho đồng bào nghèo đón Tết, hỗ trợ các địa phương để cứu đói cho nhân dân, đặc biệt là vùng chịu nhiều thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, bị ảnh hưởng của bão số 5, 6. Đối với người dân thuộc địa bàn 62 huyện nghèo trong cả nước, ngoài các chính sách đặc thù theo Nghị quyết 30a/CP, Chính phủ cũng có chính sách cụ thể, thiết thực để hỗ trợ các gia đình đón Tết, vui xuân... Ở nhiều địa phương, những ngôi nhà “Mái ấm tình thương”, nhà “Đại đoàn kết” cũng đang được khẩn trương hoàn thiện để kịp trao cho các hộ nghèo trước Tết Canh Tý 2020.
Chung tay giúp đỡ hộ nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn đón Tết cổ truyền là việc làm thiết thực, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”. Điều đó cũng thể hiện trách nhiệm của mỗi cấp, mỗi ngành và toàn xã hội để ngày Tết của đồng bào nghèo được trọn vẹn hơn. Tuy nhiên, số lượng người nghèo, người khó khăn còn rất lớn, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Để lo Tết cho các đối tượng chính sách, người nghèo, trẻ em mồ côi, người già cô đơn được chu toàn đang là thách thức không nhỏ. Vì vậy, rất cần có sự chung tay, chung sức của toàn xã hội, các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp cùng chăm lo Tết cho người nghèo. Các hoạt động hỗ trợ, trao tặng có thể dưới nhiều hình thức như tặng tiền, quần áo, chăn màn; có thể là các loại hàng hóa, lương thực, thực phẩm phục vụ trực tiếp cho việc đón Tết của các hộ gia đình...
Để sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến được những đối tượng chính sách, các địa phương cần tiến hành rà soát, nắm cụ thể những hoàn cảnh để hỗ trợ đúng đối tượng. Trước hết các địa phương, đặc biệt là ở cấp phường, xã, thôn, bản cần điều tra, khảo sát nắm thật cụ thể những hoàn cảnh, đối tượng nghèo khó, bệnh tật, cơ nhỡ để việc hỗ trợ, giúp đỡ đúng đối tượng, không nhầm, không để sót. Bên cạnh đó, cần quán triệt cho đội ngũ cán bộ cơ sở nhận thức đúng về ý nghĩa của việc tặng quà cho người nghèo và đối tượng chính sách. Cũng cần sự kiểm tra, giám sát việc phân phát, hỗ trợ quà Tết cho người nghèo và đối tượng chính sách, kiên quyết không để xảy ra tình trạng ăn bớt, ăn chặn tiền hoặc quà Tết hỗ trợ người nghèo.
Điều không kém phần quan trọng là việc tặng quà Tết phải đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng và chất lượng. Tránh tình trạng tặng những mặt hàng kém chất lượng, quá hạn, không còn giá trị sử dụng. Bởi như thế sẽ làm mất đi ý nghĩa của hoạt động mang tính nhân văn, đồng thời cũng làm giảm niềm tin của đối tượng được trợ giúp cũng như của xã hội.