Trong khi nước ta chưa có thành phố nào có hệ thống tàu điện ngầm hay tàu điện trên cao thì xe buýt vẫn là phương tiện chủ lực trong vận tải hành khách công cộng tại các đô thị lớn; đặc biệt là tại Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Xe buýt cũng được xem là một phương tiện hữu ích góp phần giảm áp lực giao thông đô thị. Vì thế, trong nhiều năm qua nhiều thành phố đã chi hàng ngàn tỷ đồng để trợ giá xe buýt; cũng có nghĩa là giảm chi phí cho người đi xe buýt, động viên người tham gia giao thông không dùng phương tiện cá nhân như xe gắn máy, ô tô cá nhân để đi xe buýt, nhằm làm giảm tai nạn và ách tắc giao thông.
Mặc dù vậy, số người đi xe buýt vẫn không được như mong muốn.
Vì sao?
Trước hết phải nói rằng, đi xe buýt rất thuận tiện, vừa tiết kiệm chi phí so với xe gắn máy lại vừa an toàn; đảm bảo sức khoẻ cho người cao tuổi, trẻ em và phụ nữ có thai, nhất là trong điều kiện thời tiết không thuận lợi như mưa to, gió lớn, giá rét hay nắng gắt. Tuy nhiên việc người đi xe buýt không chủ động được thời gian đã làm triệt tiêu mọi sức hấp dẫn này của xe buýt.
Nếu những ai thường xuyên đi xe buýt thì cũng buộc phải làm quen với việc xe buýt bỏ chuyến, trễ giờ. Cũng phải kể đến tình trạng “nhồi nhét” trên xe buýt vào giờ cao điểm. Khi đó sức chứa của xe buýt có thể tăng gấp 2-3 lần cho phép; hành khách không còn chỗ để chân khiến cho người già, trẻ em, phụ nữ có thai không thể chịu nổi. Nhiều lái xe buýt đã phàn nàn rằng, vào giờ cao điểm nếu bỏ bến thì làm lỡ chuyến của khách, mà rước khách thì làm tăng thêm chen lấn, quá tải, mệt mỏi cho hành khách. Trong sự chen lấn này, trên nhiều tuyến xe ở Hà Nội như tuyến buýt số 02, 22, 01, 03… đã thường xuyên xảy ra móc túi, trộm cắp. Cũng phải kể đến một thực trạng là trên nhiều xe buýt thái độ phục vụ của nhân viên, lái xe không tốt. Cách giao tiếp của nhân viên với hành khách thiếu lễ độ, thiếu văn hoá. Nhiều lái xe khi đến điểm dừng khách chưa xuống hết đã sập cửa làm nhiều hành khách bị kẹt rất dễ gây tai nạn.
Cũng phải kể đến một thực tế là rất nhiều hành khách đi xe buýt thiếu ý thức. Có người ngồi gác chân lên ghế, có người nói chuyện điện thoại như chỗ không người. Đặc biệt đáng chê trách là rất nhiều thanh niên, sinh viên lên xe luôn chen lấn, giành chỗ ngồi, không nhường ghế cho người già, trẻ em và phụ nữ có thai. Nhiều sinh viên khi giành được ghế là ngủ hoặc vờ ngủ, để mặc người già và trẻ em phải chật vật tìm chỗ đứng. Nhân viên nhà xe phải nhắc nhở thì họ mới miễn cưỡng nhường ghế ngồi.
Trên xe đã vậy, nhưng để đến được trạm xe buýt nhiều người đã phải đi bộ dưới lòng đường cả cây số với nhiều hiểm hoạ do các phương tiện giao thông khác đụng phải. Việc không có vỉa hè hoặc là vỉa hè bị chiếm dụng không còn lối cho người đi bộ đã khiến nhiều hành khách không dám đi xe buýt; nhất là học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Mà đây lại là những đối tượng nếu không đi xe buýt thì cha mẹ phải đưa đón, nghĩa là làm tăng lưu lượng người tham gia giao thông.
Vì vậy, để xe buýt hấp dẫn hành khách thì phải tăng tính tiện lợi cho người đi xe buýt. Đây phải là tổng hợp các biện pháp từ xây dựng vỉa hè, quản lý đô thị sao cho đường thông, hè thoáng, đảm bảo cho người đi bộ an toàn đến trạm xe buýt và để cho xe buýt không bị ách tắc giúp cho hành khách tương đối chủ động được thời gian; điều này chắc chắn là không thể giải quyết trong ngắn hạn. Nhưng có một việc chúng ta có thể làm ngay, từ bản thân mỗi người đi xe buýt là hãy tôn trọng các qui định của nhà xe, nhường nhịn, giúp đỡ những người cần được giúp đỡ, cộng với thái độ phục vụ tận tình, có văn hoá của nhân viên, chắc chắn sẽ tạo nên một môi trường tốt cho hành khách đi xe buýt.
Nguyễn Quang Vinh