Tên tuổi Hoàng Xuân Vinh đã đi vào lịch sử thể thao nước nhà với tấm Huy chương Vàng đồng thời phá kỷ lục Olympic nội dung 10 m súng ngắn hơi nam. Thành tích của Hoàng Xuân Vinh cũng cho thấy, thực lực thể thao Việt Nam đáng được kỳ vọng, vấn đề là phải nắm bắt được cơ hội để biến nó thành hiện thực mà thôi.
Có lẽ, trong cuộc đời một vận động viên thể thao, ai cũng khát vọng chinh phục những đỉnh cao mới. Họ cũng hiểu rằng, được góp mặt ở sân chơi Olympic là một vinh dự lớn lao và sự khổ luyện, phấn đấu không biết mệt mỏi; đó cũng là niềm tin, là cơ sở để gặt hái được thành công. Tại Olympic 2016, cùng với Hoàng Xuân Vinh, thể thao Việt Nam còn đặt hy vọng huy chương vào Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội), Thạch Kim Tuấn (cử tạ). Với Thạch Kim Tuấn, cơ sở để người hâm mộ đặt niềm tin là bởi thành tích ấn tượng của anh với tấm Huy chương Bạc Asian Games và Huy chương Đồng tại giải vô địch cử tạ thế giới. Thật tiếc, Ánh Viên đã không qua được vòng loại và Thạch Kim Tuấn cũng trắng tay khi anh bị tái phát chấn thương đầu gối và không đủ sức để cạnh tranh huy chương ở hạng cân sở trường 56 kg.
Phải nói rằng, thành công của thể thao Việt Nam những năm gần đây được ghi nhận từ sức bật các môn Olympic, với sự tỏa sáng của Nguyễn Thị Huyền (22 tuổi, điền kinh), Trương Thị Kim Tuyền (taekwondo), Trương Thị Phương (canoeing)… Còn có những lý do khác để người hâm mộ kỳ vọng, đó là liên tục trong nhiều năm trở lại đây, thể thao Việt Nam luôn xếp trong tốp 3 ở các kỳ đại hội thể thao khu vực và có bước đột phá ở sân chơi châu lục trong 2 kỳ ASIAD gần nhất. Có một thời gian dài, thể thao Việt Nam từng sa lầy trong việc đầu tư dàn trải, coi nhẹ việc đầu tư vào các môn thể thao cơ bản (Olympic) như điền kinh, bơi lội, bắn súng, võ thuật… Trước khi bước vào chinh phục Olympic 2016, hai tấm Huy chương Bạc mà Trần Hiếu Ngân (taekwondo) và Thạch Kim Tuấn (cử tạ) giành được là tất cả những gì mà thể thao Việt Nam có được tại đấu trường này.
Nhận thức rõ vấn đề, một vài năm trở lại đây, thể thao Việt Nam đã có được sự đầu tư căn cơ, trọng điểm hơn. Những tên tuổi như Ánh Viên, Hoàng Quý Phước (bơi lội), Phan Thị Hà Thanh, Phạm Phước Hưng (thể dục dụng cụ), Nguyễn Thị Huyền (điền kinh) Nguyễn Thị Lệ Dung, Vương Thị Huyền (đấu kiếm), Nguyễn Thanh Ngưng (đi bộ)… đã nhận được sự đầu tư đáng kể trong cuộc chinh phục những tấm vé đến Brazil 2016. Có sự thay đổi căn bản, những người có trách nhiệm của ngành thể thao đã dám nhìn thẳng vào thất bại, không né tránh trách nhiệm, dốc toàn tâm, toàn lực để hy vọng có được thành công trong tương lai. Đơn cử, để chuẩn bị cho Olympic 2016, Tổng cục Thể dục thể thao đã gửi nhiều vận động viên đi tập huấn ở một số nước có nền thể thao phát triển (Mỹ, Cuba, Hy Lạp…) nhằm giúp các vận động viên có được sự chuẩn bị tốt nhất.
Vấn đề vừa nêu chính là cơ sở để chúng ta hy vọng giành được thành tích đáng kể trong tương lai tại các sân chơi thể thao châu lục và đấu trường Olympic. Điều dư luận quan tâm lúc này là thể thao Việt Nam cần được đầu tư mạnh mẽ, bài bản hơn cho các môn Olympic (điền kinh, bơi lội, cử tạ, bắn súng…), để nó không chỉ trở thành điểm tựa cho các vận động viên, mà còn là điểm tựa cho nền thể thao nước nhà phát triển.