Có thể thấy hoạt động lừa đảo qua mạng viễn thông tiếp tục có thêm những biến tướng tinh vi và cũng rất... "bắt trend". Điển hình như việc các nhà mạng đang tiến hành rà soát, chuẩn hóa thông tin thuê bao theo quy định của pháp luật thì gần như ngay lập tức, đã xuất hiện các cuộc gọi mạo danh cơ quan quản lý nhà nước hoặc nhà mạng để yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân phục vụ chuẩn hóa thông tin thuê bao, nếu không sẽ khóa máy.
Vấn đề phòng cháy chữa cháy đang được cơ quan công an tăng cường quản lý, các đối tượng lừa đảo cũng tranh thủ cơ hội giả danh cảnh sát phòng cháy chữa cháy gọi điện để bán tài liệu, thiết bị; lừa tổ chức lớp tập huấn để yêu cầu chuyển tiền.
Trước đó có thể kể đến thủ đoạn giả danh cơ quan tư pháp (công an, tòa án, viện kiểm sát) hù dọa nạn nhân đang dính líu đến một vụ án, từ đó yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản theo yêu cầu điều tra. Rồi đến việc giả kết bạn, yêu đương rồi gửi quà tặng nhưng vướng thủ tục nên cần tiền ứng trước cũng khiến nhiều người sập bẫy. Thương mại điện tử phát triển thì các hành vi lừa đảo kiểu chốt đơn hàng hưởng hoa hồng, đặt cọc nhờ mua hàng... cũng lại nở rộ.
Sau khi nhiều thủ đoạn đã lỗi thời dần mất tác dụng, thì gần đây lại bùng lên cuộc gọi "con đang cấp cứu" để lừa các bậc cha mẹ chuyển tiền, đẩy sự táng tận lương tâm lên một mức mới. Thủ đoạn này khởi đầu từ Thành phố Hồ Chí Minh rồi lan ra đến Đà Nẵng, Hà Nội... khiến hàng loạt trường học, bệnh viện phải rà soát, thông báo cho người dân cảnh giác.
Như vậy có thể thấy tội phạm lừa đảo trên mạng vẫn không ngừng phát triển về quy mô và cách thức, việc tuyên truyền cảnh báo về các thủ đoạn chỉ mới giải quyết phần ngọn vấn đề, không khác "thả gà ra đuổi". Cho dù cơ quan công an đã khám phá, bắt nhiều ổ nhóm tội phạm nhưng mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm bởi việc điều tra gặp rất nhiều khó khăn khi truy vết đối tượng.
Có hai điểm cốt yếu của các cuộc lừa đảo trên mạng, thứ nhất là sử dụng nhận dạng ẩn danh, dùng sim rác, tài khoản (nick) ảo hoặc lừa chiếm tài khoản trên mạng để hoạt động. Thứ hai là dùng tài khoản ngân hàng để nhận tiền, kết thúc quá trình lừa đảo.
Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã rất cương quyết trong việc xử lý sim rác với thời hạn đến 31/3 các nhà mạng sẽ khóa thuê bao không chuẩn hóa thông tin. Điều này không chỉ nhằm ngăn chặn các cuộc gọi, tin nhắn rác quảng cáo gây bức xúc dư luận mà còn là giải pháp góp phần phòng ngừa hoạt động lừa đảo. Tuy vậy, đây cũng chỉ là một giải pháp chứ không loại trừ được hoàn toàn việc mạo danh.
Trong khi đó, về lý thuyết, các tài khoản ngân hàng nhận tiền cho kẻ lừa đảo đều có thông tin nhân thân chủ tài khoản cụ thể theo quy định của pháp luật. Chính vì vậy mà nhiều nạn nhân dù có hiểu biết nhưng vẫn sập bẫy vì tin tưởng có thể truy tìm được chủ tài khoản. Bởi ngay cả trường hợp chuyển khoản nhầm mà chủ tài khoản không chịu trả lại, cố tình chiếm đoạt còn có thể bị xử lý hình sự theo Điều 172 Bộ luật Hình sự về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản với mức án cao nhất lên đến 20 năm tù.
Nhưng thực tế cho thấy, tài khoản ngân hàng thật mà lại "ảo" bởi tình trạng mua bán tài khoản ngân hàng không khác sim rác. Khi cơ quan điều tra lần theo dấu vết thì chủ nhân không biết gì về tài khoản mang tên mình, để cho tội phạm mặc sức lợi dụng. Rõ ràng là các quy định về quản lý tài khoản ngân hàng vẫn đang còn lỏng lẻo, nên chăng cần những đợt rà soát giống như thuê bao điện thoại.
Trong thời đại chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, việc định danh các chủ thể tham gia lại càng trở nên cấp thiết. Nhớ lại những ngày đầu sơ khai của mạng xã hội, việc ẩn danh còn được xem như yếu tố hấp dẫn người dùng, giúp công dân được quyền tự do bày tỏ ý kiến, quan điểm mà bình thường không dám thổ lộ. Thậm chí khi công ty chủ quản hoặc cơ quan chức năng yêu cầu định danh (khác với công khai thông tin cá nhân), nhiều người còn cho rằng là vi phạm nhân quyền, quyền tự do ngôn luận.
Nhưng khi mặt trái của ẩn danh trên mạng ngày càng phát tác, việc đánh "tick xanh" (một cách định danh) đã trở thành xu thế ngay cả với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Điều đó để phòng ngừa tin giả, chống lừa đảo, bảo vệ lợi ích cộng đồng.
Bởi vậy, khi công nghệ "ảo" được áp dụng vào các khía cạnh đời sống thì mọi thứ phải là người thật, việc thật.