Nguy cơ đầu tiên có thể kể đến là thời gian gần đây, nhiều công dân Việt Nam đi làm ở nước ngoài đã tìm cách về nước thông qua các ngả đường mòn, lối mở biên giới với sự giúp sức của các đường dây đưa người. Đây là việc làm vừa vi phạm pháp luật, vừa góp phần gia tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 trong nước. Hành vi này nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Theo đó, ngày 30/12/2020 vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh An Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép" xảy ra tại huyện An Phú (tỉnh An Giang) vào ngày 24/12/2020 với 5 bị can bị khởi tố. Những người này đã móc nối với các đối tượng bên Campuchia để đưa nhóm người, trong đó có bệnh nhân mắc COVID-19 (bệnh nhân 1.440) vượt biên trái phép vào Việt Nam qua biên giới An Giang vào ngày 24/12.
Sau sự việc này, lực lượng biên phòng đã phải tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát biên giới; đồng thời quân đội cũng đã tăng cường chốt chặn cặp tuyến biên giới để kịp thời ngăn chặn những đối tượng xâm nhập trái phép. Việc này không phải để cấm công dân Việt Nam về nước mà để kiểm soát chặt chẽ nguy cơ nhiễm bệnh từ người mắc COVID-19 từ bên ngoài vào nội địa. Hiện các cơ quan chức năng Việt Nam cũng đã thông báo cho biết, công dân Việt Nam ở nước ngoài vẫn được về nước qua các cửa khẩu chính ngạch và được thực hiện cách ly y tế theo quy định hiện nay mà không phải mất một khoản phí nào.
Trong khi đó, nguy cơ thứ hai lại chính từ sự chủ quan của người dân trong nước. Đã nhiều ngày qua, Việt Nam không có ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng, điều này khiến nhiều người dân ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đã bắt đầu lơ là với dịch COVID-19. Theo đó, tại một số lễ hội cuối năm có đông người tham gia như bắn pháo hoa, lễ Phủ Tây Hồ… nhiều người đã không đeo khẩu trang. Điều đó khiến nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng rất lớn, khi chẳng may trong số đông đó có một trường hợp nhiễm virus SAR-CoV-2 tiềm ẩn. Hiện nay, không thể nói đất nước chúng ta đã an toàn, bởi nguy cơ từ việc nhiễm virus SAR-CoV-2 hiện rất lớn khi nhiều quốc gia khác trên thế giới đã tái nhiễm và lượng người mắc COVID-19 không ngừng gia tăng, nhất là việc một số nước như Anh, châu Phi… mới đây đã phát hiện biến thể mới của virus SAR-CoV-2 có thể lây lan nhanh và kháng được kháng sinh.
"Chúng ta phải quyết tâm giữ được thành quả chống dịch càng lâu càng tốt để có một cái Tết an toàn, ấm cúng, tươi vui", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu như thế tại cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 mới đây.
Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị nâng lên một mức tất cả các biện pháp phòng, chống dịch đã triển khai, quán triệt và thực hiện trong thời gian qua; tổ chức đợt cao điểm mới; tăng cường công tác kiểm tra đường bộ. Các lực lượng biên phòng, công an cửa khẩu, chính quyền cơ sở và nhân dân vùng biên phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch bệnh. Nhân dân chủ động báo với cơ quan chính quyền để kiên quyết xử lý các đối tượng, tổ chức đưa người nhập cảnh trái phép...
Mới đây nhất, đánh giá nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lây lan ở Việt Nam vẫn rất cao, nhất là từ người nhập cảnh từ các nước dịch bệnh đang bùng phát và nhập cảnh trái phép không được kiểm soát qua đường mòn, lối mở và trong cộng đồng vẫn còn tình trạng chủ quan, lơ là, không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch… ngày 5/1/2021 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg về tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý biên giới, ngăn chặn triệt để nhập cảnh trái phép, đặc biệt tại các tuyến đường mòn, lối mở, đường biển...; điều tra, xử lý theo pháp luật các trường hợp nhập cảnh trái phép, tổ chức nhập cảnh trái phép; cơ sở lưu trú, khách sạn nhận người nhập cảnh trái phép lưu trú; chống đối, không chấp hành quy định phòng, chống dịch; tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý các trường hợp nhập cảnh trái phép trên địa bàn…
Thủ tướng cũng chỉ đạo các địa phương giao nhiệm vụ cho lực lượng công an chính quy ở cấp xã, phát động phong trào quần chúng, huy động mặt trận và các đoàn thể tại cơ sở, đề nghị mỗi người dân, từng gia đình, tổ dân phố, khu dân cư chủ động phát hiện, khai báo về các trường hợp nhập cảnh trái phép; thực hiện nghiêm ngặt quy định về cách ly tập trung và theo dõi y tế sau cách ly tập trung; thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, xử phạt các trường hợp không đeo khẩu trang theo quy định; hạn chế tập trung đông người, hạn chế tổ chức các lễ hội..
Để thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, mỗi gia đình, mỗi công dân trên đất nước hình chữ S này cần phải phát huy trách nhiệm của mình. Theo đó, mỗi người dân cần là “một camera an ninh”, mỗi khi phát hiện trường hợp nghi ngờ hay trường hợp nhập cảnh trái phép cần phải báo ngay cho chính quyền địa phương để kịp thời xử lý; đồng thời tham gia giám sát các trường hợp cách ly tại nhà, tại địa phương.
Bên cạnh đó, sau một thời gian xã hội an toàn khi không có ca nhiễm cộng đồng, người dân dễ xuất hiện tâm lý nơi lỏng, chủ quan, vì vậy trong nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này, quan trọng nhất là các lực lượng chức năng phải tăng cường kiểm tra, xử phạt; đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông để mọi người cùng nêu cao tinh thần cảnh giác.
Khi mà cả xã hội cùng cảnh giác, sẵn sàng tâm thế thì quyết tâm giữ vững thành quả phòng chống dịch và đón cái Tết an toàn, ấm cúng, vui tươi… là điều có thể hiện hữu!