Đồng euro và văn hóa

Những ngày qua quốc đảo bé nhỏ bên bờ Địa Trung Hải mang tên CH Cyprus (Síp) đang trở thành tâm bão của cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Âu. Cyprus  vừa đạt được thỏa thuận cứu trợ với bộ ba chủ nợ quốc tế, song các điều kiện đi kèm cũng vô cùng hà khắc và đang có nguy cơ làm trầm trọng thêm suy thoái ở quốc gia từng một thời được ví là “thiên đường tài chính” này.


Người dân Cyprus đổ tới ngân hàng rút tiền trong trật tự.



Đương đầu khủng hoảng, Tổng thống Cyprus Nicos Anastasiades cùng nội các tự cắt giảm 20 đến 25% lương của mình, không nhận lương tháng thứ 13 mà họ có quyền được hưởng. Tổng thống cũng vừa tuyên bố không có ai thuộc diện “miễn” khi một ủy ban điều tra độc lập của nước này bắt đầu vào cuộc truy tìm gốc rễ cuộc khủng hoảng. Song, điều khiến người ta ấn tượng hơn không chỉ là cách thức xử lí của người đứng đầu nhà nước mà còn là thái độ của người dân Cyprus trong cơn khủng hoảng tồi tệ này.


Thực vậy, cùng ngày mà những khách hàng gửi tiền tại ngân hàng Bank of Cyprus lớn nhất Cyprus “bỗng dưng” có thể bị mất tới 60% tiền gửi tiết kiệm trong các tài khoản có số dư trên 100.000 euro theo điều kiện tái cơ cấu tài chính, thì thay vì xuống đường phản đối, hay tệ hơn là đập phá ngân hàng cho hả giận, hàng chục nghìn người dân Cyprus đã tham gia một buổi biểu diễn hòa nhạc lớn để gây quỹ và quyên góp thực phẩm cho những người đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng. Trước đó, cánh báo chí từ khắp nơi trên thế giới đổ về trung tâm Nicosia với tư thế sẵn sàng phản ánh “sự hỗn loạn” khi các ngân hàng mở cửa trở lại sau khi giới chức Cyprus phải chấp nhận những điều kiện “đau đớn” để tránh vỡ nợ, đã được một phen “chưng hửng” khi nhìn dòng người xếp hàng trật tự chờ rút tiền bên ngoài ngân hàng. Ở đỉnh điểm khó khăn, không có những cuộc biểu tình bạo lực, lại càng không có tình trạng cướp bóc, đập phá, lợi dụng hôi của như xảy ra ở các nước lân cận. Người dân Cyprus có thể tự hào rằng “các anh có euro, còn chúng tôi có văn hóa”. Một dân tộc nhỏ bé nhưng hành xử chín chắn và có trách nhiệm khi đối mặt với khủng hoảng.


Rõ ràng trong một thế giới không ngừng biến động với vô số các cuộc khủng hoảng đang xảy ra vì đủ các nguyên nhân như chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, mâu thuẫn tôn giáo, sắc tộc hay gì đi nữa, người Cyprus đã cho thấy cách ứng xử văn minh không để khủng hoảng trở thành chất xúc tác làm tha hóa nhân phẩm. Điều này rất đáng để suy ngẫm và học tập.



Đỗ Sinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN