Du lịch dịp nghỉ lễ

Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài liên tục bốn ngày nên hầu hết các điểm du lịch nổi tiếng đều rơi vào tình trạng quá tải. Những vụ bắt chẹt, chộp giựt xảy ra đối với du khách đã ít nhiều làm hình ảnh du lịch Việt Nam xấu đi.


Và có lẽ, điều gây phiền muộn nhiều cho du khách, chính là tình trạng lừa đảo, chèo kéo, đeo bám du khách tái diễn ở các điểm du lịch nổi tiếng.


Những gì diễn ra trong dịp nghỉ lễ vừa qua đã đặt ra câu hỏi về hiệu quả quản lý của ngành du lịch cũng như sự phối hợp trong chỉ đạo, quản lý, giám sát việc tổ chức hoạt động du lịch giữa ngành và địa phương. Lý giải về sự bất cập trong hoạt động kinh doanh du lịch, có ý kiến nhận xét rằng, chủ yếu xuất phát từ nhận thức của người dân và thái độ của chính quyền sở tại. Nếu như các cấp chính quyền quyết liệt chấn chỉnh tình trạng bắt chẹt khách, xử lý nghiêm các vụ việc gây phiền nhiễu cho du khách; xây dựng môi trường du lịch thân thiện, thì chắc chắn hoạt động du lịch sẽ không phải chịu những điều tiếng xấu.


Không khỏi buồn lòng khi nhìn vào con số thống kê, có thời điểm, trong số 100 khách du lịch quốc tế đến Thủ đô, thì số khách quay trở lại chỉ chưa đầy 10%. Đó là tỷ lệ rất thấp so với du lịch ở thủ đô một số nước lân cận như Thái Lan, Singapore, Malaysia…


Đã có những giải pháp được đưa ra nhằm thu hút khách du lịch quay trở lại, trong đó giải pháp được nhấn mạnh là cần lập lại kỷ cương trong hoạt động du lịch; sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và ngành du lịch trong việc tạo môi trường thân thiện cho du khách. Bên cạnh đó, cần loại bỏ thói trục lợi, kiếm lời bằng mọi giá trong hoạt động kinh doanh du lịch. Hay nói cách khác, đã đến lúc phải có những biện pháp mạnh, kiên quyết nhằm loại bỏ ý thức làm du lịch chộp giật ở một vài tụ điểm du lịch.


Tuy vậy, theo đánh giá của các đơn vị lữ hành, du lịch dịp nghỉ lễ 2/9, không phải ở đâu cũng xảy ra nạn chặt chém du khách. Có rất nhiều điểm du lịch có chất lượng dịch vụ tốt, môi trường du lịch ấn tượng và đang được xem là những điểm du lịch đáng đến. Nhìn nhận về môi trường du lịch ở các thành phố lớn, nhiều người cho rằng cách làm du lịch ở Đà Nẵng, Hội An và Thừa Thiên – Huế đáng để nhiều địa phương khác học tập. Đơn cử, ở Hội An, chỉ mất 100.000 đồng là hành khách có thể ngồi xích lô thoải mái cho lịch trình đi chơi khắp phố cổ và không bị giới hạn về thời gian. Cũng tại phố cổ Hội An, không có chuyện du khách bị tiểu thương làm khó khi mua hàng, càng không có chuyện chèo kéo gây phiền hà cho du khách. Ở Đà Nẵng, từ nhân viên taxi, người đạp xích lô đến mỗi người dân bình thường nhất..., đều chào đón khách du lịch một cách nồng nhiệt, thân thiện...


Kinh nghiệm từ những điểm sáng trong hoạt động kinh doanh du lịch cho thấy, việc làm trong sạch, lành mạnh môi trường du lịch, xây dựng điểm đến an toàn, hấp dẫn cho du khách cần bắt đầu từ những việc nhỏ, như một nụ cười thân thiện, cam kết bán hàng đúng giá, nhà vệ sinh đạt chuẩn... Đó cũng là cách mà mỗi đơn vị, cá nhân bằng việc làm thiết thực nhằm xúc tiến, quảng bá và tạo sự lan tỏa “vẻ đẹp tiềm ẩn” của du lịch Việt Nam đến với khách du lịch quốc tế.

 

Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN