Dầu mỏ một lần nữa được dùng làm vũ khí đối đầu trong cuộc chiến mới sau khi Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố ngừng nhập khẩu dầu thô từ Iran, còn Têhêran trả miếng bằng thông báo ngừng cung cấp dầu cho EU. Vậy là cuộc chiến dầu mỏ đã được khơi mào và thế giới một lần nữa cận kề nguy cơ bùng nổ một cuộc khủng hoảng năng lượng mới.
Nguy cơ này xuất hiện giữa lúc thế giới đang cạn dần các nguồn năng lượng hóa thạch, trong khi năng lượng tái sinh vẫn còn là lựa chọn xa xỉ. Mặc dù bị EU tẩy chay, song dầu mỏ của Iran vẫn còn nhiều thị trường tiềm năng. EU không phải là khách mua dầu lớn nhất của Iran vì lượng dầu Iran xuất sang thị trường này chỉ chiếm chưa đến 1/5 doanh số của Iran.. Bên cạnh đó, nhằm giảm thiểu tác động của lệnh cấm vận dầu mỏ khiến quốc gia này khan hiếm ngoại tệ USD và euro, Iran đã bắt đầu đa dạng hóa các hình thức thanh toán mà mới đây nhất là thông báo sẽ chính thức dùng vàng trong giao dịch mua bán dầu thô và các hàng hóa khác. Iran còn chấp nhận đồng nội tệ của các nước mua dầu như đồng rupee của Ấn Độ, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và thậm chí tiến hành cả những giao dịch hàng đổi hàng.
Nếu như với đồng USD, những động thái trên của Iran chưa tác động ngay thì đồng euro đã bắt đầu gánh chịu hậu quả. Liên minh xăng dầu Italia đã cảnh báo khoảng 70 nhà máy lọc dầu của EU có thể phải đóng cửa. Giám đốc điều hành Tập đoàn dầu mỏ Vitol xác nhận việc Iran thông báo ngừng bán dầu cho châu Âu đã khiến đồng euro giảm giá mạnh và làm tăng chi phí nhập dầu bằng đồng USD.
Tất nhiên, vàng đen là huyết mạch kinh tế của Iran và nền kinh tế của quốc gia Hồi giáo này chắc chắn cũng bị tác động nghiêm trọng khi phải gánh chịu sự bao vây, cấm vận. Nhưng tất cả các bên tham gia cuộc đấu này cũng không “sứt đầu thì mẻ trán”. Giới kinh doanh cảnh báo giá dầu có thể leo lên mức 150 USD/thùng, và liệu EU có chịu được cú sốc này? Các nền kinh tế đang khủng hoảng ở châu Âu sẽ lãnh đủ và tất yếu kinh tế toàn cầu, trong đó có Mỹ, vốn đang trong giai đoạn ốm yếu, cũng không thể tránh khỏi hậu quả.
Cuộc chiến dầu mỏ đang trở thành một cuộc chiến tâm lý mà ai bản lĩnh hơn sẽ thắng. Cho đến thời điểm này, có vẻ như các nước phương Tây đang được đánh giá là có khả năng chịu đựng tốt hơn Iran vì dự trữ dầu của họ có thể đạt trên 150 ngày tiêu thụ và họ còn có các kênh nhập dầu khác. Tuy nhiên, bất chấp thực tế này, ai cũng hiểu rằng chẳng bên nào muốn chơi cuộc chiến này đến cùng vì càng kéo dài thì hậu quả càng nặng nề. Ai được ai mất thì hạ hồi phân giải, nhưng chắc chắn tất cả những bên tham gia cuộc chiến này đều hiểu rằng họ đang đùa với lửa.
Cẩm Tuyến