Sáng 29/10/2018 chiếc máy bay chở khách đời mới nhất Boeing 737 MAX 8 mang số hiệu JT610 của Hãng hàng không giá rẻ Lion Air lao thẳng xuống vùng biển ngoài khơi đảo Java chỉ 13 phút sau khi cất cánh từ sân bay ở thủ đô Jakarta. Nhà chức trách Indonesia xác nhận không một ai trong số 189 người trên máy bay sống sót. “Đất nước vạn đảo” nói riêng và ngành công nghiệp hàng không thế giới nói chung hứng chịu thêm một trong những thảm họa đau lòng nhất lịch sử.
Ngược dòng thời gian, kể từ khi anh em nhà Orville và Wilbur Wright phát minh ra máy bay vào năm 1903, ngành hàng không thế giới đã có những bước tiến đại nhảy vọt. Chúng ta phải thừa nhận rằng máy bay là một phát minh vĩ đại của nhân loại, và theo xu thế phát triển, hàng không dân dụng đang trở thành một trong những loại hình vận tải phổ biến nhất và an toàn nhất thế giới. Tuy vậy, sự phát triển vũ bão và quá “nóng” của ngành hàng không dân dụng không tránh khỏi những góc khuất, trong đó vấn đề an toàn bay chính là vết đen lớn nhất. Vụ tai nạn thảm khốc của Lion Air và hàng loạt thảm họa hàng không khác trên thế giới thời gian qua đã gióng lên hồi chuông báo động về độ an toàn của loại hình vận tải này.
Tai nạn máy bay thì có đủ nguyên nhân, lý do khác nhau: do thời tiết, do kỹ thuật, do lỗi phi công, bị tấn công từ ngoài máy bay, bị tấn công từ trong máy bay…. Ngày 27/3/1977, hai chiếc Boeing 747 của hãng hàng không KLM (Hà Lan) và Pan Am (Mỹ) đâm vào nhau trên một đường băng đầy sương mù ở Tenerife (Tây Ban Nha) làm 583 người chết. Ngày 12/8/1985, một máy bay Boeing 747 của Japan Airlines (Nhật Bản) rơi gần núi Phú Sĩ sau khi cất cánh từ Tokyo khiến 520 người thiệt mạng. Kết quả điều tra cho thấy lỗi kỹ thuật là nguyên nhân tai nạn khi chiếc máy bay này từng bị gãy phần đuôi trong một vụ va chạm 7 năm trước đó, song đã được sửa chữa quá qua quít. Ngày 3/7/1988, một chiếc Airbus A300 của hãng hàng không Iran Air bị tàu khu trục Vincennes của Hải quân Mỹ bắn hạ trên Eo biển Hormuz. Quân đội Mỹ lúc đó nói rằng thủy thủ tàu Vincennes bị phân tâm và nhầm lẫn chiếc A300 là một máy bay quân sự đối phương. Toàn bộ 290 người trên máy bay thiệt mạng. Ngày 11/9/2001, không tặc khống chế 2 chiếc máy bay của American Airlines và United Airlines tại Mỹ và điều khiển đâm thẳng vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, khiến cho 157 hành khách trên máy bay thiệt mạng, kéo theo là 2.603 nạn nhân khác đang có mặt trong tòa tháp đôi lúc đó. Đây được coi là thảm họa nghiêm trọng nhất lịch sử liên quan tới ngành hàng không dân dụng.
Tuy nhiên, theo báo cáo năm 2016 của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), có tới hơn 76% số vụ tai nạn hàng không trên thế giới xuất phát từ lỗi của con người. Hay nói một cách khác, nếu những người làm trong ngành hàng không dân dụng – từ các phi công cho tới đội ngũ kiểm soát không lưu, bảo dưỡng kỹ thuật và điều hành bay - cẩn trọng hơn nữa, coi trọng sinh mệnh con người hơn nữa thì có lẽ thế giới đã tránh được không ít những thảm kịch thương tâm.
Ngành hàng không dân dụng thế giới đang chứng kiến một cơn bão tăng trưởng những năm gần đây. Hàng loạt hãng hàng không ra đời, hàng loạt đường bay mới kết nối mọi điểm đến trên khắp hành tinh. Tuy nhiên, dường như yếu tố hạ tầng-kỹ thuật chưa được các hãng hàng không đầu tư xứng tầm với tốc độ tăng trưởng về chỉ số doanh thu hay lượt hành khách. Ngoại trừ trường hợp chiếc Boeing 737 MAX 8 JT610 của Lion Air mới khai thác từ ngày 15/8/2018, thống kê cho thấy trên 62% số máy bay gặp nạn trên thế giới là những chiếc có “tuổi nghề” trên dưới 10 năm.
Lịch sử cũng cho thấy rất nhiều vụ tai nạn là do lỗi trực tiếp của phi công. Thế giới không có nhiều người hùng như Sully Sullenberger, người phi công vào ngày 15/1/2009 đã hạ cánh thành công chiếc Airbus 320 hỏng cả hai động cơ của hãng hàng không US Airways xuống dòng sông Hudson giữa trung tâm thành phố New York (Mỹ) cứu sống 155 người. Và có lẽ không một hành khách nào mong một phép màu như thế xảy ra với mình trong đời. Với họ, khi bước chân lên máy bay tức là đã giao phó hoàn toàn sinh mạng vào tay phi công và phi hành đoàn. Tuy vậy, sự bùng nổ của loại hình vận tải này khiến nhiều hãng hàng không trên thế giới đối mặt với thực trạng thiếu hụt phi công, nhất là những phi công giàu kinh nghiệm, nhiều giờ bay an toàn.
Phải chăng cũng đến lúc chúng ta đặt câu hỏi về mức độ an toàn của hàng không giá rẻ? Sau vụ tai nạn máy bay của Lion Air, hàng loạt chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo “hàng không giá rẻ” không thể đánh đồng với “hạ thấp tiêu chuẩn an toàn bay và chi phí vận hành”. Về lý thuyết, các hãng hàng không giá rẻ có thể cắt giảm khẩu phần ăn trong chuyến bay, tăng cước hành lý, khai thác các giờ bay không phải cao điểm… Song tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, an toàn bay không được phép “giá rẻ”, không được phép “bay trên sinh mệnh của hành khách”. Và chỉ chừng nào, các hãng hàng không coi sự an toàn của khách hàng như chính sinh mệnh của doanh nghiệp, thì khi đó chúng ta mới hy vọng tránh được những thảm họa hàng không đau lòng.