Việt Nam là một trong số các quốc gia hiếm hoi trên thế giới trở thành “khắc tinh” của virus SARS-CoV-2, được rất nhiều nước khâm phục, ngưỡng mộ về các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả. Trong những đợt bùng phát dịch bệnh từ đầu năm tới nay, sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt, triệt để của cả hệ thống chính trị và sự hợp tác của mỗi người dân đã giúp chúng ta chiến thắng COVID-19. Việc kiểm soát tốt dịch bệnh cũng chính là bệ phóng để chúng ta thực hiện “mục tiêu kép”, đưa kinh tế Việt Nam trở thành một điểm sáng của thế giới trong một năm khủng hoảng tồi tệ nhất lịch sử.
Tính đến hết ngày 17/11, Việt Nam đã trải qua 76 ngày liên tiếp không ghi nhận ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Cuộc sống gần như đã trở lại với nhịp độ trước khi dịch bắt đầu xuất hiện tại nước ta hồi tháng 1/2020 và lòng người đều đang hướng đến một cái Tết bình an phía trước, với hy vọng không còn phải lì xì nhau bằng khẩu trang như “Tết COVID” năm Canh Tý nữa.
Vậy nhưng, thực tế là dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành bên ngoài biên giới nước ta với mức độ ngày càng nghiêm trọng, sau tròn 1 năm xuất hiện ca bệnh đầu tiên trên thế giới tại Hồ Bắc (Trung Quốc). Virus SARS-CoV-2 và những biến thể của nó hằng ngày vẫn gây ra không biết bao nhiêu cái chết đau lòng. Số ca bệnh mỗi ngày vẫn không ngừng gia tăng tại Mỹ, châu Âu, châu Á và ở cả những nước láng giềng Đông Nam Á của chúng ta như Indonesia, Philippines, Malaysia hay Myanmar.
Ngay đối với Việt Nam, khi số ca lây nhiễm trong cộng đồng vẫn đứng ở con số 691 trong vòng 2 tháng rưỡi qua, thì tổng số ca mắc COVID-19 vẫn tăng lên gần như hằng ngày từ các ca nhập cảnh. Tại các bệnh viện chuyên ngành, lực lượng y tế vẫn phải căng mình điều trị, cứu chữa bệnh nhân mới, đồng thời theo dõi, cách ly, xét nghiệm người nhập cảnh, không để virus lây lan ra ngoài cộng đồng.
Mới đây thôi, thông tin về một ca nhập cảnh nghi tái dương tính virus SARS-CoV-2 tại Hà Nội đã khiến nhiều người không khỏi “thót tim”. Hay trước đó là một ca liên quan đến chuyên gia người Hàn Quốc, xuất cảnh từ TP Hồ Chí Minh hồi cuối tháng 10 cũng vậy. Hay nữa là việc một số ca nhập cảnh gần đây, phải đến ngày thứ 16 mới có kết quả xét nghiệm dương tính. Tất cả cho thấy nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn rình rập. Chỉ một chút sơ sểnh, dịch bệnh có khả năng tái bùng phát với tốc độ lây lan khó lường trong bối cảnh các biện pháp hạn chế đã gần như được nới lỏng hoàn toàn trên khắp cả nước.
Không ai trong chúng ta mong muốn điều tương tự ca bệnh số 416 tại Đà Nẵng hồi tháng 7 lặp lại - ca bệnh đầu tiên sau 99 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Cái cảm giác bị “trói chân trói tay” trong khu vực bị cách ly, phong tỏa, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình đốn, cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn hoàn toàn, nỗi thắc thỏm về thông tin những ca tử vong, những ca mắc mới… quả thực khiến tất cả đều bất an, mệt mỏi vô cùng.
Ý thức được nguy cơ này, chính quyền các cấp vẫn luôn có những chỉ đạo sát sao, yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân chủ động phòng, chống dịch COVID-19, trong đó nhấn mạnh khuyến cáo người dân không lơi lỏng trước dịch bệnh, luôn có các biện pháp tự bảo vệ mình trong trạng thái “bình thường mới” theo thông điệp 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế. Đặc biệt, tại hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng vẫn là quy định bắt buộc, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống COVID-19 ngày 19/10 vừa qua. Tuy vậy, thái độ bàng quan với dịch bệnh vẫn được ghi nhận ở một số nơi, với việc còn không ít người không đeo khẩu trang hoặc chỉ đeo đối phó khi gặp lực lượng chức năng…
Vì thế, Nghị định 117/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/11/2020 có thể xem như là một liều thuốc đủ mạnh để thức tỉnh việc tuân thủ đeo khẩu trang phòng dịch. Theo đó, ở Điểm a, Khoản 1, Điều 12, Nghị định 117/2020, hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế sẽ bị phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng. Trước đó, theo Nghị định 176/2013, mức phạt đối với hành vi này là từ 100.000 - 300.000 đồng. Có nghĩa là từ nay, hành vi không đeo khẩu trang phòng dịch nơi công cộng bị xử phạt nặng gấp 10 lần so với trước đây.
Vấn đề bây giờ là áp dụng Nghị định như thế nào cho hiệu quả, hợp lý, hợp tình, nhất là khi mức xử phạt đã là một khoản tiền không nhỏ đối với nhiều người, thậm chí cao hơn cả mức hỗ trợ từ Nhà nước dành cho các đối tượng khó khăn trong cả đợt dịch vừa qua. Từ mức nhắc nhở ban đầu, lực lượng chức năng cũng cần quyết liệt xử lý các trường hợp bất hợp tác - như một số người đã bị xử phạt trong đợt ra quân của lực lượng chức năng quận Cầu Giấy (Hà Nội) mới đây. Nghĩa là trong trường hợp cần cương quyết thì phải xử lý để răn đe, không để xảy ra tình trạng nhờn luật hoặc vì thông cảm mà cho qua.
Suy cho cùng, mọi quy định, khuyến cáo, chế tài xử phạt đều không ngoài mục đích nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh ở mỗi người. Trong bối cảnh thế giới vẫn đang oằn mình trong đại dịch và công cuộc tìm kiếm vaccine ngừa COVID-19 vẫn ở mức thử nghiệm lâm sàng và hiệu quả của những loại vaccine này cũng cần được đánh giá một cách hết sức thận trọng, mỗi người nên phát huy loại “vaccine” có sẵn và đã cho hiệu quả đáng tự hào ở Việt Nam trong suốt năm qua, đó là tinh thần đoàn kết chống dịch bệnh và “Mỗi người dân hãy là một chiến sĩ trên phòng, chống dịch bệnh”.