Ngày chủ nhật vừa qua, trời mưa do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp dải hội tụ nhiệt đới, nhưng khách đến khu du lịch Tràng An (Ninh Bình) vẫn khá đông. Dù khu du lịch dán nhiều bảng hướng dẫn, để sẵn các lọ nước sát khuẩn nhưng đáng lo ngại là chỉ lác đác vài người đeo khẩu trang. Đặc biệt là ở những vị trí thường xuyên tiếp xúc với nhiều người như bảo vệ, nhân viên bán vé, lễ tân, nhân viên chạy bàn trong các nhà hàng lại hầu như không mấy người đeo khẩu trang.
Trên thực tế, việc từng người dân áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 ở các địa phương đang khá lơi lỏng. Ngay cả ở các thành phố lớn vốn tập trung mật độ dân cư cao, ý thức phòng chống dịch cũng đã xao nhãng. Vào thang máy các công sở, khu chung cư là tình trạng người có - người không đeo khẩu trang.
Không chỉ người dân, mà ngay cả các lực lượng chức năng cũng dường như “thả lỏng” hơn việc nhắc nhở mọi người chấp hành các biện pháp phòng dịch. Theo thống kê mới nhất của Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 5/8 - 18/10, các lực lượng chức năng thành phố đã nhắc nhở 9.300 trường hợp và xử phạt 4.064 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng với số tiền xử phạt là 816 triệu đồng. Con số trên chứng tỏ lực lượng chức năng ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng khá quyết liệt nhưng rõ ràng nếu thực hiện nghiêm thì con số xử phạt còn cao hơn nhiều bởi trên thực tế vẫn có thể bắt gặp thường xuyên các trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng. Chưa kể cao điểm xử phạt việc không đeo khẩu trang chủ yếu rơi vào tháng 8.
Trong khi đó, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới vẫn đang rất phức tạp. Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 20/10 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh COVID-19 trên toàn cầu là 40.599.201 ca, trong đó có 1.122.091 người thiệt mạng. Dịch bệnh đã lây lan tại 217 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Ước tính, cứ 100 ca được ghi nhận trên thế giới thì có 34 ca từ các nước khu vực châu Âu và cứ 9 ngày lại có thêm khoảng 1 triệu ca bệnh. Nhiều quốc gia châu Âu bắt đầu tái áp đặt các biện pháp nhằm nỗ lực kiểm soát dịch bùng phát trở lại. Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra lo ngại rằng cuộc khủng hoảng sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn và dự đoán sẽ có nhiều ca tử vong hơn trong thời gian tới tại châu Âu.
Còn ở Việt Nam, đến sáng 20/10, chúng ta bước sang ngày thứ 48 liên tiếp không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Tính đến 18 giờ ngày 20/10, Việt Nam có tổng cộng 1.141 ca mắc COVID-19, trong đó có 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập luôn thường trực, đặc biệt khi tăng số lượng các chuyến bay đưa công dân Việt Nam và chuyên gia về nước (trong đó có các chuyến bay thương mại, quốc tế). Ngoài ra, điều kiện thời tiết mùa đông, xuân thuận lợi cho một số bệnh truyền nhiễm phát triển, lây lan. Đáng lo ngại là Bộ Y tế tiến hành kiểm tra lại một số nội địa phương, đơn vị và nhận thấy có tình trạng chưa thực hiện đúng các quy định và hướng dẫn. Có tình trạng lơ là trong vấn đề cách ly, đặc biệt chưa theo dõi, giám sát chặt chẽ những trường hợp cách ly trong cộng đồng và tại gia đình.
Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 nhờ tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chiến lược huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thần tốc khoanh vùng dập dịch. Nhờ đó mà chúng ta đã chống dịch hiệu quả với nguồn lực còn hạn chế. “Biết ta biết người, trăm trận trăm thắng” là bí quyết trong Binh pháp Tôn Tử, không chỉ cho chiến trận mà còn được vận dụng trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trái ngược với nó là “chủ quan khinh địch”, nguyên nhân của mọi thất bại.
Như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã từng nhấn mạnh, trong chống dịch COVID-19, chúng ta mới chỉ thắng từng trận đánh, mà cuộc chiến thì còn dài. Bởi vậy, mỗi người đừng tạo cho mình tâm lý chủ quan mà cần phải làm quen với trạng thái “bình thường mới” một cách rất đơn giản là thực hiện theo thông điệp 5K: KHẨU TRANG – KHỬ KHUẨN – KHOẢNG CÁCH – KHÔNG TỤ TẬP – KHAI BÁO Y TẾ”.