Nhưng sau khi mẹ của cháu bé đưa câu chuyện lên trang cá nhân của mình trên mạng xã hội Facebook, rồi được nhiều người chia sẻ, bình luận với nội dung “cậu bé 15 tuổi chơi đàn trên phố đi bộ vì không có giấy phép nên bị công an lớn tiếng dọa nạt đến phát khóc” và gây bức xúc trong xã hội thì lại không còn là chuyện nhỏ.
Chuyện càng đáng bàn hơn khi sự thật bước đầu được làm sáng tỏ lại không như những gì mà thông tin trên mạng xã hội chia sẻ và bình luận.
Cho đến lúc này, căn cứ vào thông tin trên báo chí chính thống thì sự việc có thể tóm tắt như sau: Cháu bé biểu diễn đàn violon ở phố đi bộ khi chưa xin phép là trái quy định; tổ công tác liên ngành (chứ không phải là lực lượng công an như đã đưa trên mạng) chỉ nhắc nhở và yêu cầu cháu bé dừng biểu diễn chứ không quát tháo, dọa nạt cháu bé (mà ngược lại, cháu bé và người nhà mới là người có lời lẽ không hay với lực lượng chức năng).
Và, câu chuyện cũng khép lại khi mẹ của cháu bé đã đưa ra lời xin lỗi trên trang facebook cá nhân của mình về thông tin không đúng đã đưa. Tuy nhiên, qua câu chuyện trên lại có một số điều cần bàn và đáng để suy nghĩ.
Thứ nhất: Người đầu tiên chia sẻ thông tin lên mạng xã hội không phải là người chứng kiến sự việc mà chỉ “nghe kể lại”, sau đó cũng bị “lây cảm xúc” của người kể, dẫn đến việc chia sẻ thông tin không chính xác lên mạng xã hội.
Thứ hai: Tiếp theo, cộng đồng mạng (trong đó có những “dư luận viên” có uy tín) đã nhanh chóng chia sẻ và bình luận một cách vội vã, làm cho thông tin lan truyền rất nhanh và ngày càng lệch lạc theo kiểu “tam sao thất bản” khiến cho câu chuyện trở nên “nặng nề” hơn.
Thứ ba: Một số báo (nhất là báo điện tử) cũng tham gia đưa tin và bình luận với “mặc định” thông tin trên mạng là chính xác mà thiếu kiểm chứng, đã vô tình “hợp thức hóa” thông tin trên mạng xã hội.
Hậu quả là: Tạo ra cái nhìn méo mó về lực lượng chức năng tham gia quản lý và giữ gìn trật tự ở khu vực phố đi bộ của Hà Nội nói riêng và chính quyền nói chung.
Đối với người đưa thông tin và chia sẻ, bình luận về câu chuyện trên, sau khi sự thật bước đầu sáng tỏ, họ cũng không khỏi bị ảnh hưởng đến uy tín và đối với những người có lương tâm cũng không khỏi cảm thấy áy náy vì đã vô tình tiếp tay cho thông tin không đúng. Còn các báo chính thống và một số nhà báo đưa theo thông tin trên mạng cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng, ít nhất là về uy tín.
Ngay bản thân gia đình cháu bé là người chủ động và khơi mào dư luận trên mạng xã hội cũng không tránh khỏi hậu quả khi tự đưa mình vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi trước áp lực của dư luận, chẳng khác gì “gậy ông đập lưng ông”.
Ngày nay, khi mạng xã hội, trong đó có Facebook, đã trở nên khá phổ biến thì tự nhiên, nó cũng trở thành một kênh thông tin và tác động trực tiếp đến đời sống xã hội. Những người tham gia, cả trực tiếp và gián tiếp, dù muốn hay không cũng tham gia tác động, đồng thời chịu ảnh hưởng (cả tích cực và tiêu cực) từ mạng xã hội; do đó, phải chịu trách nhiệm, cả trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm xã hội đối với việc đưa thông tin, chia sẻ và bình luận trên mạng, dù là trang cá nhân.
Mạng xã hội là “ảo”, nhưng hậu quả mà nó gây ra lại là… thật, cho cả xã hội và bản thân người tham gia, nếu hành xử thiếu ý thức và trách nhiệm. Vì vậy, sẽ là không thừa khi nhắc lại điều mà nhiều người đã nhắc nhở rằng, hãy thật cẩn trọng khi chia sẻ và bình luận trên mạng xã hội, đối với báo chí lại càng phải thận trọng khi khai thác thông tin trên mạng xã hội, để không tiếp tay cho thông tin sai với dụng ý xấu và trước hết không làm hại chính mình.
Tiền nhân đã có câu: Sảy chân thì đỡ bằng sào/Sảy miệng thì đỡ làm sao hỡi người; và: Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy. Nếu chưa thể uốn lưỡi bảy lần trước khi nói thì cũng đừng coi mạng xã hội như cái… sọt rác để ném mọi sự bực tức, thiếu kiềm chế trong lúc nóng giận của mình. Đừng để cảm xúc điều khiển mình nếu không muốn “gậy ông đập lưng ông”.