Nghe đồng nghiệp kể chuyện “đánh vật” khi dạy con học lớp 1 theo bộ sách mới, đọc những lời than vãn của các phụ huynh trên mạng xã hội và báo chí, tôi thấy cái sự nghiệp học chữ của học sinh lớp 1 sao mà gian nan.
Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên ngành giáo dục triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới tại bậc tiểu học với lớp 1. Trước đây, chỉ có một bộ sách, nay các trường được chọn một trong 5 bộ sách gồm Cánh diều, Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục, Kết nối tri thức với cuộc sống.
Đánh giá sau một tháng học, nhiều phụ huynh và giáo viên cho rằng chương trình mới nặng nề hơn trước.
Dạy con học như một cuộc chiến, ngày nào con tôi đi học về cũng mếu máo, tối nào cũng đánh vật cùng con, học lớp 1 mà như ôn thi đại học, là thạc sĩ mà thấy bất lực khi không kèm được con học lớp 1...
Đó chỉ là một vài trong số những ý kiến của phụ huynh sau khi năm học mới bắt đầu được khoảng 1 tháng. Nhiều phụ huynh cho rằng chương trình Tiếng Việt lớp 1 mới nặng kiến thức hơn, bắt trẻ học nhiều thứ trong một thời gian ngắn. Với những bé chưa học chữ trước thì hành trình học Tiếng Việt ban đầu theo chương trình mới rất khó khăn. Về môn Toán, khi các bé mới làm quen chữ cái, âm thì đã phải tự đọc đề để giải Toán.
Không chỉ phụ huynh có ý kiến, bản thân những giáo viên trực tiếp đứng lớp cũng nhận định bộ sách mới quá nặng kiến thức. Một giáo viên tiểu học ở Hà Nội cho biết trong suốt 30 năm dạy học với 2 lần thay sách, cô thấy sách mới lần này là nặng nhất.
Cũng có giáo viên nhận định bản thân họ cần phải được tập huấn kỹ càng về chương trình mới, phải đổi mới phương pháp dạy, thay đổi cách đánh giá học sinh. Sách mới nhưng vẫn dạy theo cách cũ thì cả cô và trò đều đuối, hụt hơi trong chạy theo cho kịp tiến độ.
Trong khi nhiều học sinh, phụ huynh, giáo viên – có thể coi là những khách hàng tiêu dùng sản phẩm sách giáo khoa – cảm thấy áp lực với bộ sách mới, những người liên quan tới quá trình tạo ra sản phẩm đó đều bác bỏ, phủ nhận.
Chương trình mới không nặng như phản ánh. Đó là khẳng định của ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ông cho rằng chỉ một số nhận định ban đầu từ phụ huynh là chưa có căn cứ xác đáng, nói chương trình nặng là chưa đủ bằng chứng và khi mới thực hiện chương trình lớp 1 được mấy tuần thì khó có thể đánh giá khách quan.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hạnh, thành viên Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới môn Ngữ văn và là Chủ biên môn Tiếng Việt bộ sách giáo khoa Cùng học để phát triển năng lực, cho rằng nặng là do nhà trường, giáo viên chưa biết cách đổi mới phương pháp dạy học. Theo bà, đánh giá chương trình lớp 1 nặng hay nhẹ cần phải dựa trên hiểu biết nhất định chứ không phải “cứ nhắm mắt kêu”.
Đành rằng, người sản xuất phải bảo vệ thành quả sản phẩm của mình nhưng không thể phớt lờ và bác bỏ ý kiến đánh giá của người tiêu dùng. Nếu sản phẩm “bị chê” là đồ ăn thức uống, là quần áo, là đồ chơi…, người tiêu dùng có quyền không mua, có quyền bỏ đi, có quyền chọn sản phẩm khác. Nhưng trong trường hợp này, sản phẩm lại là sách giáo khoa, người tiêu dùng không có lựa chọn khác, chê nhưng vẫn phải dùng.
Đành rằng, mục tiêu mà ngành giáo dục đặt ra với học sinh lớp 1 là các em biết đọc, biết viết, nhưng con đường và tốc độ để đạt mục tiêu đó cần phù hợp với năng lực, tâm lý của trẻ vừa học hết mầm non. Trên con đường đó, các em vừa chơi và học thì tâm lý sẽ thoải mái, dễ tiếp thu hơn là chỉ có học.
Trên con đường đó, các em có thể đi bộ, có thể chạy tùy theo sức, đôi khi mệt thì ngồi nghỉ một lúc cũng không sao. Còn nếu ai mà bắt tất cả đều phải chạy, mệt cũng không được nghỉ thì chẳng mấy chốc những tâm hồn non nớt sẽ sợ hãi, chán nản. Trong tâm thế sợ và chán đó, làm sao các em có thể đi đến đích bằng đôi chân của mình?
Chặng đường học hành của một con người còn rất dài. Nếu ngay từ bước đầu trên chặng đường đó, người lớn đã tạo ra nhiều áp lực cho trẻ nhỏ, hẳn không trẻ nào có thể cảm thấy mỗi ngày đến lớp là một ngày vui, tới trường là hạnh phúc.
Từ quan điểm phụ huynh, giáo viên hay người viết sách, mục tiêu đều phải là giúp trẻ học sao cho hiệu quả, kiến thức phù hợp lứa tuổi cả về số lượng và mức độ khó.
Mặc dù chưa thể thống nhất giữa phụ huynh và người viết sách rằng chương trình mới nặng hay không, nhưng vì mục tiêu giáo dục chung, rút kinh nghiệm từ những tranh cãi mới nảy sinh, ngành giáo dục cần lấy đây làm bài học để chuẩn bị tốt hơn khi mà năm học tới, học sinh lớp 2 và lớp 6 sẽ có bộ sách giáo khoa mới.
Đừng để cải tiến lại biến thành “cải lùi”. Đừng để sau mỗi lần cải cách sách giáo khoa, giáo viên và phụ huynh phải loay hoay dạy trẻ. Đừng để học chữ là một "cuộc chiến" bất tận. Thay vào đó, hãy để trẻ coi con chữ là bạn, là niềm vui.