Ngày 30/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) gửi Văn bản số 2832 đề nghị tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn cho Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông (THPT) năm 2020 trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại Đà Nẵng và đang lây lan sang các địa phương khác. Trong đó, lần đầu tiên khái niệm "thí sinh F" được đề cập.
Cụ thể, đối với thí sinh, Bộ GD&ĐT đề nghị các cấp, ngành, cơ quan liên quan rà soát về mặt sức khoẻ để phân loại thí sinh đăng ký dự thi thành 4 nhóm: F0, F1, F2 và các đối tượng khác. Căn cứ điều kiện cụ thể, các địa phương tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp.
Cũng trong công văn trên, Bộ GD&ĐT yêu cầu: Trong quá trình tổ chức kỳ thi, thí sinh có biểu hiện ho, sốt được bố trí thi tại phòng thi dự phòng tại Điểm thi. Cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác thi tại các phòng thi dành cho thí sinh thuộc diện F1, F2 thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế. Đối với Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, chủ động xây dựng phương án hỗ trợ đưa đón thí sinh thuộc diện F1, F2 bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh.
Như vậy, trong lần thi tốt nghiệp THPT này, có thêm một dạng thí sinh mới. Các thí sinh được gọi tên là “thí sinh F”!
Ngay sau đó, trong cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 với 63 địa phương chiều 31/7, lãnh đạo TP Đà Nẵng và Quảng Nam - hai địa phương đang căng mình chống dịch - đã đề xuất Bộ GD&ĐT báo cáo lên Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 và Chính phủ cho dừng tổ chức thi tốt nghiệp THPT; từ đó có phương án xét đặc cách tốt nghiệp cho tất cả các thí sinh.
Đà Nẵng và Quảng Nam là hai địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất trong cả nước. Hiện nhiều khu vực trong thành phố được phong toả và có một số giáo viên, học sinh bị nghi nhiễm COVID-19 do có tiếp xúc gần với các ca nhiễm. Điều này khiến tâm lý của phụ huynh học sinh và xã hội có nhiều biến động. Do đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đề xuất 3 phương án là: Tổ chức thi ngay, tổ chức thi sau 1 tháng hoặc xét tốt nghiệp tùy theo diễn biến của dịch bệnh.
Cũng cần nói thêm, kết quả tốt nghiệp THPT nhiều năm qua đều đạt đến gần 100%, và dù được ngành giáo dục lý giải là để đánh giá chất lượng của giáo dục phổ thông, duy trì nền nếp dạy, học trong các cơ sở giáo dục, nhưng cũng từng không ít lần nhận được sự ta thán là kỳ thi lãng phí, không cần thiết.
Tuy vậy, việc đề xuất xét đặc cách tốt nghiệp cũng khiến không ít chuyên gia ngành giáo dục đắn đo. Nhiều ý kiến quan ngại, việc xét tuyển cũng làm hạn chế cơ hội chọn trường của các thí sinh khi có nguyện vọng vào học ở các trường đúng với năng lực nhưng các trường này lại không tổ chức xét tuyển.
Trước những khó khăn do dịch bệnh ở mùa tuyển sinh năm nay, đã có ý kiến từ một số trường Đại học, Cao đẳng cho rằng nếu không có kỳ thi tốt nghiệp này, họ vẫn có biện pháp và căn cứ để xét tuyển thí sinh cho mình, dựa trên kết quả xét tốt nghiệp của thí sinh.
Việc bất ngờ và bối rối tìm phương án là những phản ứng đầu tiên mỗi khi gặp phải khó khăn, trở ngại đột xuất. Trước một kỳ thi lớn, tập trung, huy động nhiều sức người, sức của như kỳ thi tốt nghiệp THPT, việc tìm ra một phương án căn cơ, công bằng và sáng suốt ngay khi dịch bệnh ở giai đoạn gia tăng lại càng khó khăn, vì nó quyết định đến cả sự an toàn của thí sinh trong dịch bệnh lẫn tương lai của các con trước “ngưỡng cửa cuộc đời"!
Nhiều ý kiến cho rằng, ở thời điểm hiện tại, một số tỉnh, thành phố cao điểm dịch bệnh vẫn có thể tính đến phương án thi tốt nghiệp THPT riêng cho địa phương sau kỳ thi THPT của toàn quốc, nhằm giảm áp lực cho các Ban chỉ đạo thi ở các địa phương, và quan trọng hơn cả là đảm bảo an toàn cho các em học sinh, góp phần kiểm soát dịch bệnh.
Nếu những thí sinh đặc biệt nhất của một năm học đặc biệt nhất hoàn thành 12 năm học tập theo một cách “đặc biệt” - tạm gọi như vậy về việc chỉ xét tốt nghiệp mà không tổ chức thi, hay thi sau khi dịch bệnh tại địa phương đã được kiểm soát, đó cũng là điều cần chấp nhận - để chúng ta không có “thí sinh loại F”.