Giãn cách. Lâu nay người dân TP Hồ Chí Minh cũng đã tự giác giãn cách. Các vụ lây nhiễm cộng đồng gần đây phần lớn là “bất khả kháng”, ít có vụ bùng phát dịch nào do người dân thiếu ý thức cộng đồng. Nói như vậy để hiểu rằng, dịch là một thực tế khách quan và cần biết cách “sống chung” chứ không thể duy ý chí vì những kết quả “tối ưu” từng đạt được trước đó.
Nhà Phật có một điều răn rất hay “Nghĩ đến thân thể thì đừng cầu mong không bệnh tật…”. Dịch bệnh là một điều tất yếu, nó đến và đi theo quy luật của tự nhiên, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của bất kì ai. Con người chỉ có thể chọn thái độ “ứng xử” với nó sao cho ít thương tổn nhất.
Trong trận dịch này, tuy số người chết do dịch bệnh trên thế giới thấp hơn nhiều so với tai nạn giao thông hàng ngày, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ người bệnh chết vì ung thư hàng ngày, nhưng nó lại bào mòn cả nền kinh tế, bào mòn sức dân, bào mòn cả hệ thống y tế, bào mòn nguồn lực quốc gia hơn bao giờ hết… Điều này cho thấy nguồn lực quốc gia, nguồn lực xã hội đã được huy động gần như tối đa, hệ thống y tế đã được trưng dụng hết mức và chống dịch là ưu tiên số một của đất nước.
Nhưng dịch bệnh chắc hẳn vẫn còn kéo dài, chúng ta có huy động hết sức lực để chống dịch thành công đợt bùng phát này thì nguy cơ dịch bệnh quay trở lại vẫn còn, khi mà dịch bệnh vẫn đang hoành hành ở nhiều quốc gia khác và việc giao thương quốc tế không thể dừng lại.
Có một thực tế là, rất nhiều bạn bè tôi, đã tự khỏi bệnh sau khi bị nhiễm COVID-19 chỉ bằng việc tự điều trị tại nhà, chỉ bằng xông hơi, súc nước muối, uống thuốc hạ sốt, thư giãn, nghỉ ngơi, tập dưỡng sinh, ăn uống đủ chất, tự nâng sức đề kháng… Mặc dù họ đang sống ở những quốc gia văn minh, có nguồn lực kinh tế cũng như điều kiện y tế tốt hơn chúng ta rất nhiều.
Và kinh nghiệm ở nhiều quốc gia khác cho thấy, không một quốc gia nào dùng hết tất cả các nguồn lực để chống dịch, bởi vì họ chấp nhận thực tế với tinh thần không thể hạn chế hoặc triệt tiêu nguồn bệnh mà chỉ có thể điều trị bệnh nhân để giảm thiểu số người tử vong.
Với tốc độ lây nhiễm nhanh chóng, số người nhiễm liên tục tăng theo cấp số nhân thì không một hệ thống y tế nào trên thế giới có thể làm được điều đó, và càng không thể hy sinh nguồn lực kinh tế để chiến đấu dai dẳng với một cơn đại dịch. Hệ thống y tế chỉ có thể dùng để điều trị những người có triệu chứng nặng, có nguy cơ tử vong do nhiễm virus COVID-19 cũng như các bệnh lý khác. Nền kinh tế thì cũng buộc phải có sức khỏe mới có thể chống dịch hiệu quả.
Có một thực tế “đỡ lo hơn” ngay cả ở trong nước cũng như các quốc gia khác là không phải ai nhiễm COVID-19 cũng chết. Phần lớn bệnh nhân có thể tự phục hồi nếu biết cách chăm sóc cơ thể một cách khoa học, đảm bảo vệ sinh và biết cách hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo cho cộng đồng. Ngay cả bệnh nhân COVID-19 được đưa vào viện, vào khu cách li tập trung hiện nay, không phải ai cũng cần can thiệp y tế, mặc dù điều kiện chăm sóc sức khỏe thông thường trong bệnh viện và các khu cách li không thể tốt bằng ở nhà, phần lớn người bệnh vẫn chống chọi được với bệnh tật và không ít những bệnh nhân đã tự khỏi.
Việt Nam là một trong những quốc gia từng chống dịch thành công nhất thế giới bằng cách làm triệt để, tổng lực “hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn”. Tuy nhiên, trong tình thế hiện nay, dịch đã bùng phát trên diện rộng, cuộc chiến đã chuyển sang giai đoạn “trường kì kháng chiến”. Đây là thời điểm chúng ta thực sự đối diện với sự bùng phát của dịch bệnh, nhưng cũng có thể xem là may mắn khi đã có nhiều quốc gia khác đã đối diện với tình trạng này sớm hơn.
Từ thực tế cũng như kinh nghiệm chống dịch của các nước, có thể thấy, chống dịch hiệu quả chính là dựa vào cộng đồng, vừa khoan sức dân và tạo sức bền cho hệ thống y tế. Đó là việc xác định lại thứ tự ưu tiên để tập trung nguồn lực, không thể căng mình trên mọi trận tuyến, dễ dẫn đến kết cục quá tải... Thứ tự ưu tiên đó nên chăng tuân thủ tiêu chí điều trị, xử lý bệnh nhân nói chung của ngành y, là dựa vào những dấu hiệu, triệu chứng bệnh lý để điều trị, bệnh nhân cấp cứu thì ưu tiên cấp cứu, bệnh nhân chưa có biểu hiệu nguy cấp thì giảm thứ tự ưu tiên để tập trung bố trí nguồn lực, nhân lực y tế vào việc điều trị những bệnh nhân covid có diễn tiến nặng.
Bên cạnh chiến lược tiêm chủng vaccine toàn dân, tạo miễn dịch cộng đồng thì quá trình lây nhiễm cộng đồng cũng cần được chấp nhận như một hệ quả tất yếu. Hệ thống y tế không thể căng sức, huy động toàn bộ nguồn lực vào việc “kiểm soát người khỏe” và triệt tiêu mọi nguồn lây nhiễm một cách lâu dài được. Vì vậy, người bệnh mà không nguy hiểm, không có triệu chứng bệnh lý cần phải được xem như người không bị bệnh. Song song với những giải pháp về giãn cách xã hội, nâng cao ý thức cộng đồng, nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, bảo vệ người thân, ngành y tế cần phổ biến quy trình cũng như phác đồ chăm sóc sức khỏe tại nhà đối với toàn dân.