Trong một động thái bất ngờ, hôm 30/11, các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới, gồm Khu vực đồng euro (Eurozone), Canađa, Anh, Nhật Bản, Mỹ và Thụy Sĩ, đã đồng ý phối hợp để cứu nền kinh tế châu Âu. Theo thỏa thuận, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và các ngân hàng trung ương của Canađa, Anh, Nhật Bản, Thụy Sĩ đã nhất trí giảm 0,5 điểm phần trăm, xuống còn 0,5%, lãi suất cung cấp thanh khoản bằng đồng USD (cho vay USD giá rẻ) cho các ngân hàng thương mại từ ngày 5/12.
Ngoài ra, các ngân hàng lớn trên thế giới còn đồng ý thiết lập cơ chế tạm thời nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả những ngân hàng thành viên trong sáu tổ chức trên được tiếp cận với bất cứ đồng tiền nào nếu cần để hỗ trợ các ngân hàng khu vực trong trường hợp xảy ra khủng hoảng. Các thỏa thuận này sẽ có hiệu lực đến ngày 1/1/2013.
Nền kinh tế châu Âu đã xuất hiện hàng loạt tín hiệu xấu. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho biết, Eurozone đã rơi vào suy thoái nhẹ. Tổ chức Moody's cảnh báo sẽ hạ xếp hạng mức tín nhiệm tín dụng của tất cả các nước châu Âu. Mới nhất là việc Ngân hàng Thụy Sĩ (UBS) gióng chuông báo động khẩn cấp khi công bố kết quả nghiên cứu cho thấy Eurozone sụp đổ sẽ gây ra thảm họa dây chuyền từ kinh tế đến chính trị và xã hội. Nếu đồng tiền này bị xóa sổ, hàng tỷ euro đang được lưu hành trên thế giới sẽ trở thành giấy vụn.
Hàng triệu người sẽ choáng váng khi thấy tài khoản của mình trở thành vô giá trị. Bất mãn, căng thẳng xã hội sẽ bùng phát. Đồng euro chết yểu cũng đồng nghĩa với việc Liên minh châu Âu (EU) tan vỡ, kéo theo sự sụp đổ uy tín về ngoại giao - chính trị - xã hội trên toàn cầu. Và một khi châu Âu rơi xuống vực thì phần còn lại của thế giới cũng sẽ chìm vào suy thoái, thậm chí có thể nghiêm trọng hơn cuộc Đại suy thoái thập niên 1930.
Trong khi nguy cơ đã hiện rõ, thì lục địa già, sau đúng một năm rưỡi vã mồ hôi với gánh nợ chồng chất, đang ngày càng tỏ ra bối rối. Cuộc khủng hoảng giờ đây đã vượt quá khả năng của một châu lục. Thời gian đang hết dần. Tình thế này đã khiến các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới quyết định cùng vào cuộc.
Thỏa thuận cứu các thị trường tài chính ngay lập tức đã tác động tích cực tới các thị trường chứng khoán trên thế giới, khiến các chỉ số chứng khoán từ châu Âu, châu Mỹ đến châu Á trong các ngày 30/11 và 1/12 tăng điểm mạnh. Trong khi đó, đồng USD xuống giá và các nhà đầu tư đổ tiền vào các kênh đầu tư mạo hiểm như vàng và dầu mỏ và các hàng hóa cơ bản khác, khiến cho các mặt hàng này tăng giá mạnh.
Rõ ràng hành động của các ngân hàng trung ương đã xốc lại niềm tin của các nhà đầu tư vốn đang hoang mang vì cuộc khủng hoảng nợ công. Tuy nhiên, thỏa thuận đó dù đóng vai trò rất lớn trong việc giải cứu song cũng chỉ có thể giúp Eurozone có thêm thời gian. Vấn đề cốt lõi vẫn là nội lực của các nền kinh tế tại khu vực này phải được cải thiện thông qua các cải cách kinh tế và tài chính triệt để. Lục địa già giờ đây chỉ còn hai lựa chọn hoặc loại bỏ các nền kinh tế yếu hoặc đoàn kết chặt chẽ hơn bao giờ hết để cùng vượt qua thời điểm khó khăn.
Và không chỉ châu Âu, cả thế giới cũng cần sẵn sàng chung tay với châu lục này trong cuộc chiến ngăn chặn sự bùng phát của một trong những thảm họa kinh tế lớn nhất lịch sử.
Cẩm Tuyến