Dích dắc quyền lợi
Không phải đến khi ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch thành phố Hà Nội khẳng định việc có công an, lãnh đạo địa phương đứng đằng sau những bãi giữ xe, hàng quán kinh doanh trên vỉa hè ở Hà Nội thì dư luận mới biết việc “chống lưng” sau các hoạt động kinh doanh trên vỉa hè, mà hầu hết người kinh doanh buôn bán trên vỉa hè, nếu không phải là người có thế lực thì cũng đều phải “hiểu luật vỉa hè” mới có thể tồn tại được.
Chủ một quán cà phê ở khu vực ven quận 1 (TP Hồ Chí Minh) cho biết, khi vừa mở quán, khách chưa đông thì không ai nói gì, nhưng chỉ cần kinh doanh một thời gian ngắn thì cán bộ phường đến “hỏi han” và yêu cầu để lực lượng trật tự, thanh niên của phường xuống giữ xe giúp ngay trên vỉa hè khu vực quán. Chủ quán buộc phải trả tiền cho lực lượng giữ xe của khách, còn lực lượng giữ xe lại được thêm tiền giữ xe từ khách. Nhưng nếu chủ quán muốn giữ xe miễn phí cho khách bằng cách thuê người bên ngoài giữ xe thì xe của khách lập tức bị “hốt” về phường. Bàn ghế bày ra vỉa hè cũng bị tịch thu. Hoạt động kinh doanh cũng bị “hỏi han” đủ thứ, khó lòng mà yên ổn làm ăn được.
Đoàn kiểm tra lập biên bản xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè. Ảnh: Mạnh Linh |
Khi thực hiện quyết liệt giải tỏa vỉa hè trong những ngày qua, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1 đã có những phát ngôn cương quyết và rất ấn tượng, khẳng định việc giải tỏa vỉa hè phải được thực hiện một cách công bằng, không nể nang, không có ngoại lệ và cả người dân lẫn cơ quan nhà nước, nếu lấn chiếm vỉa hè đều phải xử lý như nhau...
Tuy nhiên, ngay những ngày cao điểm xử lý trật tự vỉa hè thì ngay bên hông UBND quận 1, khu vực đường Hai Bà Trưng vẫn tồn tại những bãi giữ xe gắn máy chiếm dụng phần lớn vỉa hè. Mặc dù bãi giữ xe này là bãi giữ xe được tổ chức gắn với hoạt động của đường sách Nguyễn Văn Bình, nhưng nếu công bằng mà nói thì đây vẫn là một hoạt động kinh doanh lấn chiếm vỉa hè.
Cần chú trọng việc quản lý
Thực tế tại quận 1 cho thấy, chỉ vài ngày thiếu bóng dáng của đoàn kiểm tra, một số tuyến đường sau khi được xử lý quyết liệt đã bắt đầu “trở lại nguyên trạng”. Điều này đặt ra một vấn đề đó là ngoài việc xử lý quyết liệt để lập lại trật tự vỉa hè, chính quyền cần phải chú trọng việc quản lý để duy trì trật tự vỉa hè mới chính là yếu tố bền vững.
Trong nhiều năm qua, quận 1 luôn là địa phương chú trọng việc xử lý nghiêm hoạt động lấn chiếm vỉa hè. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cách làm này tuy tạo tiếng vang và hiệu ứng xã hội tốt nhưng không phải là giải pháp căn cơ để thiết lập trật tự vỉa hè.
Vỉa hè quận 1 bị tái chiếm trong những ngày "vắng bóng" đoàn kiểm tra. Ảnh: Anh Đức |
Các chuyên gia về quản lý đô thị cho rằng, việc thiết lập trật tự vỉa hè muốn giải quyết một cách căn cơ, đòi hỏi phải chú trọng rất nhiều từ khâu tổ chức, quy hoạch và quản lý gắn với quyền lợi của người dân. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, chính quyền siết chặt công tác quản lý trật tự lòng lề đường ngay từ khâu quản lý địa bàn bằng giải pháp quy hoạch với những quy định thống nhất và buộc người dân chấp hành. Việc kiểm tra, xử lý được thực hiện thường xuyên và phạt rất nặng đối với sai phạm chứ không để sai phạm bùng phát rồi ra quân xử lý từng đợt như cách mà các địa phương đang làm như hiện nay.
Thành phố hiện đã xây dựng quy chế về quản lý vỉa hè, lòng đường, quy định rõ phần nào của vỉa hè cho phép người dân được kinh doanh, để xe, phần nào là của người đi bộ. Tuy nhiên, do công tác quản lý của các địa phương không chặt chẽ nên “đâu lại vào đấy”. Việc giải tỏa vỉa hè, ngoài làm nghiêm, không kiêng dè, nể nang thì chính quyền Thành phố cần giải quyết triệt để tình trạng “chống lưng” cho các hoạt động kinh doanh lấn chiếm vỉa hè mới hy vọng không tái diễn sau những đợt ra quân rầm rộ.