Nếu hiểu “đơn thuần” theo cách mà lãnh đạo ngành giáo dục giải thích về khái niệm “giá dịch vụ đào tạo” để hiểu đó là “những chi phí tính đúng, tính đủ mà một cơ sở đào tạo cần phải có để cung cấp dịch vụ giáo dục đại học”, điều này đồng nghĩa với việc ngành giáo dục đã xem giáo dục đại học là một hoạt động dịch vụ, kinh doanh thuần túy, chứ không còn là “quốc sách hàng đầu”.
Đây là một cách hiểu tai hại mà có thể xuất phát từ việc muốn tận thu theo kiểu “tính đúng, tính đủ”. Chưa cần nói đến tính “quốc sách hàng đầu” thì cách hiểu này cũng chỉ có thể đúng với các trường đại học dân lập, đại học tư nhân hoàn toàn. Ở đó các nhà đầu tư tự bỏ tiền đầu tư từ đất đai, nhà cửa, tài sản, nhân lực… và họ có quyền quy định mức “giá dịch vụ đào tạo”.
Trong khi phần lớn các trường đại học ở Việt Nam vẫn là những trường công lập, được hình thành từ chính nguồn thuế của dân, từ nguồn đầu tư của quốc gia. Nên việc “tính đúng, tính đủ” không thể “đúng” và “đủ” trong trường hợp này được.
Cách hiểu này cũng khập khiễng giống như các dự án BOT “tráng nhựa” trên Quốc lộ 1 nhưng lại thu phí (hay giá) cả một con đường như vừa được đầu tư mới. Cách hiểu này nếu thành hiện thực, hẳn sẽ tạo thêm những bức xúc trong xã hội bởi sự không minh bạch.
Ở bất cứ quốc gia tiên tiến nào, giáo dục đại học cũng được chú trọng đầu tư và hình thành các trường đại học trọng điểm để cung cấp nguồn nhân lực cho quốc gia. Chính vì vậy, hoạt động của giáo dục đại học đương nhiên không chỉ đơn thuần là cung cấp dịch vụ và… thu đúng thu đủ “giá dịch vụ đào tạo”.
Trên thực tế, không một đại học chất lượng cao nào có thể dùng học phí hay “giá dịch vụ đào tạo” để bù được toàn bộ chi phí hoạt động. Mà phải thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học chất lượng cao, các trường đại học huy động các nguồn lực khác của xã hội, từ chính phủ, từ doanh nghiệp… để phát triển, để giảm gánh nặng học phí đối với người học, để đầu tư phát triển nguồn nhân lực và đào tạo nhân tài...
Việt Nam, từ lâu đã xác định “giáo dục là quốc sách hàng đầu” nghĩa là đầu tư cho giáo dục là một trong những ưu tiên hàng đầu để phát triển đất nước. Điều này có nghĩa là không thể xem giáo dục là một hoạt động dịch vụ thuần túy và không thể “doanh nghiệp hóa” một cách đơn thuần hoạt động giáo dục.
Việc miễn học phí ở bậc tiểu học, hoạt động phổ cập giáo dục… là những minh chứng cho tính “quốc sách”. Vì vậy, để phát triển nền giáo dục, ngành chức năng không thể “lẩn quẩn” trong tư duy “phí với giá” mà cần phải hoạch định được những chính sách mang tính căn cơ, để theo kịp nền giáo dục hiện đại của thế giới.
Việc tính toán thế nào để người nghèo có thể tiếp cận được nền giáo dục hiện đại, có thể tiếp cận được những trường đại học tốt nhất của quốc gia một cách bình đẳng, để những nguồn nhân lực, những nhân tài của đất nước không bị thui chột vì không có điều kiện học tập bao giờ cũng cần thiết hơn việc làm thế nào để thu đúng, thu đủ chi phí dịch vụ đào tạo.
Tổng thu học phí một năm ở bậc THCS chỉ khoảng vài nghìn tỷ đồng, tương đương khoản tiền đầu tư cho 10 – 15 km đường cao tốc. Khoản tiền này không phải là một khoản tiền lớn đối với một quốc gia. Nhưng nếu miễn học phí đối với bậc học THCS thậm chí là các bậc học phổ thông sẽ giúp cho rất nhiều học sinh có thêm cơ hội đến trường, bổ sung cho đất nước một nguồn nhân lực dồi dào hơn trong tương lai. Và đây mới chính là một trong những nhiệm vụ mà ngành giáo dục cần nghiên cứu, thực hiện.
Việc giảm thiểu những cải cách vô bổ, nâng cao chất lượng đào tạo, cải tạo hệ thống cơ sở vật chất trường học, hạn chế bạo lực học đường, giảm thiểu những gánh nặng chi phí trong học tập và rất nhiều những yêu cầu chính đáng khác của một nền giáo dục hiện đại đang là những nhu cầu bức thiết của toàn xã hội đặt ra đối với ngành giáo dục. Những mục tiêu này cần được ngành giáo dục ưu tiên tính toán hơn là việc thu đúng, thu đủ. Vì rằng, một nền giáo dục hiện đại, văn minh không phụ thuộc nhiều vào việc thu học phí hay “giá dịch vụ đào tạo”.