Theo Phó Thủ tướng, có những vấn đề mới xuất hiện trong quá trình phòng chống dịch, khi hệ thống y tế bị quá tải, nhưng cũng bộc lộ cả những vấn đề tồn tại từ trước, không chỉ trong ngành y tế, mà cả trong công tác quản lý, điều hành xã hội nói chung.
Những vấn đề được các đại biểu Quốc hội đề cập chưa thể khắc phục một cách triệt để, chắc chắn, nhưng đòi hỏi phải rất khẩn trương. Phải có các giải pháp cụ thể, thiết thực, kịp thời, cả trước mắt và lâu dài, với mục tiêu giữ cho được thành quả chống dịch, không để xảy ra một đợt dịch gây tổn thất lớn như vừa xảy ra.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chính phủ đang xây dựng chiến lược tổng thể ứng phó với dịch bệnh COVID-19 trong 2 năm tới để phục hồi trong và sau COVID-19. Chính phủ quán triệt 6 nguyên tắc cơ bản khi xây dựng chiến lược tổng thể ứng phó với dịch bệnh COVID-19, đó là: Y tế là trụ cột, là trung tâm; Kinh tế là cơ sở, là nền tảng; Dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; Ổn định chính trị - xã hội là trọng yếu và thường xuyên; Vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết; An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn.
Căn cứ tình hình thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, Chính phủ xác định phòng ngừa là cơ bản, là chiến lược, cộng với vaccine và ý thức của người dân, các biện pháp công nghệ thì mới thích ứng với điều kiện chống dịch trong tình hình mới.
Một lần nữa nhấn mạnh ý thức người dân là điều kiện tiên quyết, là chủ thể trong phòng chống dịch, chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân, Phó Thủ tướng nhắc lại những bài học kinh nghiệm từ đợt dịch bùng phát lần thứ 4. Khi độ bao phủ vaccine chưa nhiều, sự đồng lòng của người dân chấp hành nghiêm các quy định phòng chống dịch, tăng cường sự giám sát của các cơ quan chức năng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, đã góp phần không nhỏ làm giảm tổn thất từ dịch bệnh. Nói cách khác, sự vào cuộc của nhân dân là rất quan trọng để thực hiện các biện pháp giãn cách, cách ly, hạn chế tập trung đông người.
Cùng với những giải pháp lâu dài, yêu cầu đẩy nhanh tốc độ bao phủ vaccine và thực hiện nghiêm thông điệp 5K được coi là giải pháp thiết thực, hiệu quả để phòng, chống dịch COVID-19. Nếu không thực hiện nghiêm thông điệp 5K trong sinh hoạt, trong sản xuất, thì dịch sẽ tiếp tục lây nhiễm, nhất là ở các địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế, dẫn đến nhiều hệ lụy, đặc biệt là gây quá tải hệ thống y tế, sản xuất kinh doanh bị ngừng trệ, làm đảo lộn đời sống xã hội.
Bên cạnh đó, cùng với việc bao phủ vaccine, thì hoạt động giám sát y tế cũng phải được thực hiện một cách nghiêm ngặt. Hoạt động giám sát thực chất là theo dõi, kiểm tra, thanh tra và đánh giá các công việc đang được thực hiện một cách chặt chẽ, khoa học. Từ việc giám sát, có thể thu thập, xử lý, phân tích thông tin và đưa ra các giải pháp, phương án, quyết định kịp thời, không để bị động trong công tác phòng, chống dịch.
Từ thực tế công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua cho thấy, cùng một chính sách chung trên toàn quốc, nhưng trong một xã thì có tổ, ấp, xóm, thôn làm tốt, nhưng có tổ, ấp, xóm, thôn làm chưa tốt. Trong một huyện thì có xã, phường làm tốt, nhưng có xã, phường làm chưa tốt. Trong một tỉnh thì có quận, huyện làm tốt, nhưng có quận huyện làm chưa tốt. Trên toàn quốc thì có tỉnh, thành phố làm được, có tỉnh, thành phố chưa làm được. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống dịch bệnh của một số địa phương, đơn vị còn lỏng lẻo, thiếu sâu sát; việc điều tra dịch tễ, truy vết để sàng lọc tách F0, F1 ra khỏi cộng đồng chưa chặt chẽ, còn chung chung, thậm chí sai đối tượng, nên tiềm ẩn các trường hợp F0, F1 còn sót lọt trong cộng đồng, bị động trong khoanh vùng, ngăn chặn, dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.
Đáng lo ngại, khi thực hiện chủ trương đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, tại một số địa phương thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, một bộ phận nhân dân có biểu hiện chủ quan, tình trạng tập trung đông người tái phát, dẫn tới nguy cơ dịch bệnh lây lan.
Đó là những hạn chế cần được chấn chỉnh, khắc phục ngay và triệt để, với tinh thần không được chủ quan, lơ là, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.
Nếu phát huy tốt những việc đã làm được và khắc phục kịp thời những mặt hạn chế nêu trên, chắc chắn chúng ta sẽ hạn chế được tổn thất từ dịch bệnh, nền kinh tế đất nước nhanh chóng được phục hồi trong điều kiện bình thường mới.