Ngày nay, Hà Nội là “trùng trùng” những khu nhà cao tầng đang mọc lên mỗi ngày ở Tây Nam thành phố; là những con đường được xây mới và mở rộng; là những cây cầu hiện đại vươn mình bắc qua sông Hồng; là hệ thống đường vành đai, đường cao tốc nối với các tỉnh lân cận... Thủ đô hiện ra từ trên cao là một đô thị phát triển năng động, hiện đại. Cùng với đó, ở phía Đông thành phố vẫn là những con phố cũ, những hàng cây xanh tỏa bóng mát, những tòa nhà mang trong mình giá trị lịch sử, tồn tại như minh chứng của một thủ đô ngàn năm văn hiến.
Đặc biệt, kể từ khi “tấm áo” địa giới hành chính được mở rộng vào năm 2008, “chàng trai” Thủ đô đã “vươn mình” mạnh mẽ. Sau 10 năm, kinh tế Hà Nội tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt trung bình 7,41%/năm. Nhiều chỉ tiêu như tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trên đầu người, thu nhập bình quân của nông dân, thu ngân sách đều tăng 2-3 lần. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hà Nội tăng liên tục, vươn lên đứng thứ 14 trên 63 tỉnh thành. Các ngành dịch vụ, du lịch ngày càng đóng góp nhiều hơn cho ngân sách thành phố.
Nhờ không gian kinh tế được mở rộng, Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí đầu tàu, là động lực phát triển của cả vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế cả nước. Cụ thể, so với cả nước, Hà Nội có diện tích chỉ chiếm 1%, dân số chiếm 8,1%; nhưng đóng góp GRDP tới 16,46%, đóng góp ngân sách tới hơn 19%. Cơ sở hạ tầng các xã miền núi, vùng khó khăn được đầu tư nâng cấp. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được xây dựng, cải tạo. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới của Hà Nội dẫn đầu cả nước. Người dân cảm nhận cuộc sống được cải thiện từng ngày.
Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận nhiều vấn đề vẫn đang tồn tại, không chỉ cản trở sự phát triển của thành phố mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cuộc sống thường nhật của người dân Thủ đô. Nổi cộm nhất vẫn là công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý hạ tầng. Tình trạng bất cập trong kết nối hạ tầng giữa khu vực nội đô với khu vực ngoại thành, giữa các khu dân cư với hạ tầng chung của thành phố đang tạo ra sự ngột ngạt trong đời sống đô thị. Nạn tắc đường, ngập lụt vẫn thường xuyên diễn ra. Mức sống người dân còn chênh lệch giữa các vùng. Đời sống văn hóa, nếp văn minh đô thị nhiều nơi chưa theo kịp tốc độ phát triển của kinh tế. Nét thanh lịch của người Hà thành ngày càng nhạt nhòa trong ứng xử hàng ngày…
Nhận thức rõ những bất cập nói trên, chính quyền Hà Nội đang nỗ lực hết mình cho công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị, khắc phục những tồn tại trên con đường phát triển của thành phố. Người dân Thủ đô từ những người bán hàng tới các em học sinh, cũng đang cố gắng là những “nhà ngoại giao” để giới thiệu với du khách nước ngoài những nét đẹp của một thủ đô văn hiến, thanh lịch.
Trong lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã sớm nhận ra vai trò đặc biệt của mảnh đất địa linh Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội. Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ngày 2/7/1976, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá VI đã quyết định lấy tên nước là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thủ đô là Hà Nội. Với ưu thế di sản văn hóa ngàn năm làm động lực, với những bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất trong thời gian qua, Hà Nội đang ngày càng khẳng định là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước.