Những năm gần đây, trong xu thế đổi mới của ngành Giáo dục, lễ khai giảng đã hướng đến lấy học sinh làm trung tâm, giảm bớt những nghi thức rườm rà, để các em học sinh có được niềm vui thật sự, có được sự quan tâm, động viên bằng tinh thần và cả vật chất cho sự khởi đầu một năm học mới.
Với truyền thống hiếu học của dân tộc, ngày khai giảng không chỉ mang đến niềm vui tựu trường của các em học sinh mà còn gửi gắm niềm tin, hy vọng của gia đình, nhà trường và toàn xã hội về thế hệ tương lai của đất nước. Trong mỗi người lại như văng vẳng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà biết bao thế hệ học sinh đã từng nghe: “Mong cháu ra công mà học tập. Mai sau xây dựng nước non nhà”.
Nhưng làm thế nào học để nên người, để có khả năng đóng góp xây dựng quê hương đất nước thì là một quá trình luôn luôn vận động của nhận thức. Có những giai đoạn, ngành Giáo dục nói riêng và xã hội nói chung lại đặt nặng tâm lý cho thành tích thi cử và bằng cấp. Con đường để lập thân lập nghiệp cứ phải chí ít cũng là tấm bằng đại học, dù cho đã có nhiều cảnh báo về thực trạng “thừa thầy thiếu thợ”, hay những cảnh báo về mất cân bằng giữa các ngành nghề.
Bởi vậy mà tin vui cũng trong ngày khai giảng 5/9/2018 từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp là đoàn Việt Nam xếp thứ 3 toàn đoàn về tổng sắp huy chương tại kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 12 năm 2018, vừa diễn ra tại Bangkok (Thái Lan). Kỳ thi có với sự tham gia của 331 thí sinh và hơn 1.000 đại biểu đến từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên ASEAN.
Đoàn Việt Nam dự thi đủ 26 nghề với 52 thí sinh. Kết quả, đoàn Việt Nam đã xuất sắc đạt thành tích ở 22 trong 24 nghề thi chính thức với 7 thí sinh đoạt Huy chương vàng, 7 thí sinh đoạt Huy chương bạc, 6 thí sinh đoạt Huy chương đồng và 16 Chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc. Các lĩnh vực nghề mà Việt Nam đoạt huy chương vàng cũng rất “đáng nể” gồm: Bảo trì máy gia công kỹ thuật số CNC, Giải pháp phần mềm công nghệ thông tin, Lắp cáp mạng thông tin, Ốp lát tường và sàn, Xây gạch.
Như vậy là bên cạnh những thành tích trong các kỳ thi kiến thức như Olympic Toán học, Vật lý, Hóa học… thì thế hệ trẻ đã có những kết quả đáng mừng về kỹ năng nghề nghiệp, một trong những điểm yếu lâu nay của lao động Việt Nam. Và cũng có thể thấy, con đường “khởi nghiệp” của các bạn trẻ cũng như quan niệm về hành trang vào đời đã có sự thay đổi. Sự trưởng thành và đóng góp cho đất nước về sau này ở mỗi người sẽ theo những cách khác nhau, tùy thuộc vào năng lực, sức sáng tạo của cá nhân. Và mỗi ngày đến trường hôm nay sẽ là những bậc thang nâng bước một quá trình học đạo đức làm người, tiếp nhận kiến thức và kỹ năng để đáp ứng nhu cầu của xã hội trong tương lai.
Bởi vậy, trong những kỳ vọng của ngày đưa trẻ đến trường hôm nay, mỗi bậc cha mẹ học sinh cũng cần suy ngẫm để cùng ngành Giáo dục thực hiện thành công chủ trương về đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện, mà trong đó mục tiêu tổng quát là “giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả”.