Trong điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, mỗi tổ chức, mỗi cá nhân có tấm lòng vì người nghèo luôn trăn trở, làm thế nào để giúp người nghèo thoát nghèo bền vững. Ước muốn tốt đẹp ấy đã trở thành hiện thực khi hàng loạt chính sách, chương trình vì người nghèo được triển khai, nổi bật là Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Chương trình 135, Nghị quyết 30a, Nghị quyết 80 về định hướng giảm nghèo bền vững; cùng đó là muôn tấm lòng rộng mở hướng về người nghèo, vùng khó khăn.
Với truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”, trong nhiều năm qua, cùng với các nguồn vốn của Ban Chỉ đạo xóa đói, giảm nghèo, vốn của các đoàn thể xã hội, cuộc vận động ''Vì người nghèo'' đang có ảnh hưởng khá sâu rộng tại các địa bàn dân cư. Chương trình “Nối vòng tay nhân ái” nhằm biểu dương các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia ủng hộ Quỹ vì người nghèo đã trở thành một hoạt động truyền thống hết sức cảm động và ý nghĩa, nhằm kêu gọi các nguồn lực giúp đỡ người nghèo, hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi, nạn nhân chất độc da cam... để làm sao mọi sự nghèo khó đều có được cơ hội vươn lên thoát nghèo. Ðặc biệt, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khủng hoảng, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp hành động hết sức cao đẹp, luôn mở rộng tấm lòng, dành một phần lợi nhuận để giúp đỡ người nghèo.
Theo thông lệ, các địa phương trong cả nước đều tổ chức chương trình “Tết vì người nghèo” nhằm giúp đỡ những đồng bào có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào vùng núi, vùng sâu, vùng xa có được một cái Tết đầm ấm, hạnh phúc. Không phải chỉ có dịp Tết, mà trong năm 2014, đã có hơn 1.987 tỷ đồng được các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ người nghèo và vùng nghèo, trong đó ủng hộ “Quỹ vì người nghèo” các cấp hơn 442 tỷ đồng, ủng hộ các chương trình an sinh xã hội 1.545 tỷ đồng. Có thể nói, ủng hộ người nghèo là một trong những hoạt động được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng.
Hơn thập kỷ qua, cả nước đã đạt được những thành tựu ấn tượng trong công tác giảm nghèo, đời sống người nghèo được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 22% năm 2005 xuống còn 9,45% năm 2010 và đến năm 2013 còn khoảng 9,6% theo chuẩn mới. Nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả của các địa phương, với những tấm lòng rộng mở đã tạo nên những dấu ấn tốt đẹp, sâu đậm trong xã hội, thu hút được sự ủng hộ về nguồn lực giúp đỡ hữu hiệu, kịp thời cho người nghèo, người tàn tật, người bị nhiễm chất độc da cam, người có hoàn cảnh khó khăn…
Từ nhiều năm nay, ở hầu khắp các ngành, đơn vị và địa phương đã triển khai những loại hình hoạt động phong phú, ân tình như tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, chữa bệnh miễn phí, giúp các cha mẹ liệt sĩ, thương binh, bệnh binh nặng, giúp học bổng cho con em nghèo, chăm sóc các gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam Anh hùng... Gần đây lại có thêm loại hình giúp vốn hỗ trợ (không lấy lãi) cho những người đã cai nghiện, trở về với gia đình; giúp học sinh, sinh viên các hộ nghèo, gia đình chính sách, vượt qua khó khăn, vững tin vào bản thân, vươn lên trong cuộc sống. Các địa phương trong cả nước đã huy động nguồn lực từ cộng đồng, xã hội ủng hộ người nghèo, hỗ trợ phương tiện, công cụ sản xuất giúp hộ nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập; triển khai các hoạt động hỗ trợ tạo sinh kế cho người nghèo như dạy nghề cho người nghèo gắn với tạo việc làm...
Giảm nghèo bền vững luôn là mong ước của những người nghèo, của địa phương có nhiều hộ nghèo. Những mong ước tốt đẹp ấy đều đang trông đợi vào việc đổi mới chính sách của Nhà nước trong công tác giảm nghèo cùng muôn tấm lòng rộng mở hướng về người nghèo. Tuy nhiên, nếu chỉ trông đợi vào những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, mà bản thân từng người nghèo, hộ nghèo cho đến cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới các địa không có sự quyết tâm hợp lực, thì mục tiêu giảm nghèo bền vững khó có thể trở thành hiện thực.
Yến Nhi