Hiểm họa từ “ma men”

Con số được Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đưa ra tại lễ phát động giải báo chí “Tai nạn giao thông - Hiểm họa từ rượu bia” diễn ra đầu tháng 10 vừa qua, khiến không ít người giật mình: Có 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người chết vì tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia. Trung bình mỗi năm ở nước ta, tai nạn giao thông đã làm 11.000 người chết, gần 30.000 người bị thương, thiệt hài tài sản hàng nghìn tỷ đồng.

Không còn phải tranh cãi, tai nạn giao thông đang là vấn đề gây nhức nhối cho toàn xã hội, mà một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông là do người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu bia quá đà. Tình trạng lạm dụng rượu bia, điều khiển phương tiện trong lúc say xỉn không giảm, mà còn có chiều hướng gia tăng, bất chấp việc đã có nhiều biện pháp kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền vận động được triển khai. Đây là vấn đề rất đáng báo động. Hầu hết tài xế mặc dù biết được tác hại của sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện, biết được chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm quá nồng độ cồn khi lái xe, nhưng vẫn cố tình vi phạm và biện minh rằng, họ vẫn làm chủ được hành vi, làm chủ được tay lái. Số liệu thống kê của Bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội) cho thấy, có tới 60% số ca cấp cứu do tai nạn giao thông tại bệnh viện này có liên quan đến sử dụng rượu bia, trong đó 40% số ca chấn thương đầu có sử dụng rượu bia. Trong khi đó, hiện nay, rượu bia được bán phổ biến, ở quán nước, quán ăn ven đường, ở đâu cũng có thể tiếp cận được rượu bia và sử dụng thoải mái mà không bị kiểm soát.

Cách đây chưa lâu, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về Trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội tổ chức đợt ra quân kiểm tra người điều khiển xe ô tô, mô tô vi phạm quy định về nồng độ cồn tại ba quận nội thành Hà Nội là Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng. Cảnh sát giao thông đã bố trí cán bộ, chiến sĩ mặc thường phục để nắm tình hình ở khu vực nhà hàng, quán nhậu, khi phát hiện người điều khiển phương tiện có dấu hiệu vi phạm, sẽ thông báo cho lực lượng chốt tại các tuyến đường kiểm tra xử lý. Ấy vậy, không phải lái xe nào cũng chấp hành nghiêm việc kiểm tra. Rồi không ít chủ các quán nhậu khi phát hiện lực lượng cảnh sát giao thông hóa trang, đã ngầm báo cho các đệ tử “lưu linh” để họ tìm cách đối phó.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện có tới 35 văn bản luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư liên quan đến rượu, bia; nhiều tỉnh, thành phố, cơ quan Trung ương cũng ban hành văn bản nội bộ về hạn chế uống rượu, bia. Tuy nhiên, tình trạng người sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông vẫn không giảm. Nguyên nhân là do chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, chỉ dừng ở phạt hành chính nên dẫn đến “nhờn luật”.

Do vậy, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền (trên các phương tiện thông tin, trong nhà trường, đoàn thể, cơ quan, tổ tự quản …), cần có chế tài xử phạt nghiêm khắc, như tước giấy phép lái xe, tạm giữ phương tiện, thông báo về nơi cư trú, nơi công tác đối với người vi phạm… Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm không chỉ dừng ở các đợt ra quân, làm điểm, mà cần tiến hành thường xuyên, liên tục. Việc làm đó không phải của riêng lực lượng cảnh sát giao thông, mà cần sự phối hợp của nhiều ngành, nhiều cấp, đặc biệt là sự đồng thuận của toàn xã hội.


Yến Nhi
Đề xuất cấm bán rượu bia sau 22 giờ
Đề xuất cấm bán rượu bia sau 22 giờ

Trong lần sửa thứ 2 dự thảo Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia, đã đề xuất tới ba phương án liên quan đến nội dung cấm bán rượu bia sau 22 giờ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN