1. Hôm nay là hạn chót mà ngành Giáo dục phải trả lời Thủ tướng Chính phủ về tình trạng tỷ lệ thí sinh đỗ vào lớp 10 THPT công lập tại Thủ đô thấp nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Thủ tướng đã yêu cầu đích danh Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chỉ đạo đơn vị liên quan rà soát báo cáo đầy đủ, chính xác về công tác tuyển sinh vào lớp 10 hệ công lập năm học 2023 - 2024 của thành phố Hà Nội; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 12/7.
Trước đó, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT của Hà Nội năm 2023 đã diễn ra trong không khí “nóng”, bởi chỉ nhìn số lượng thí sinh và chỉ tiêu tuyển sinh của các trường, đã thấy có tới gần 60% số thí sinh không “có chỗ” trong các trường công. Kết quả đúng như dự đoán: Dù chỉ tiêu tuyển sinh được tăng thêm so với năm trước, nhưng tỉ lệ học sinh được vào lớp 10 trường THPT công lập cũng chỉ đạt 55,7%, thấp hơn năm trước gần 8% và thấp nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Trên 33.000 thí sinh không có cơ hội học THPT công lập.
Ngay sau khi Hà Nội công bố điểm trúng tuyển của các trường THPT công lập và trường chuyên, cảnh phụ huynh xếp hàng xuyên đêm trước cổng một số trường THPT tư thục và công lập tự chủ để nộp hồ sơ nhập học vào lớp 10 cho con lại tái diễn. Hình ảnh gây nhức nhối này khiến dư luận trăn trở: Vì sao Hà Nội lại thiếu trường học đến mức này?
Trên thực tế, dân số Hà Nội, nhất là ở nội thành, mỗi năm một tăng, quy mô học sinh cũng phát triển không ngừng. Tuy nhiên, những năm gần đây, số trường, số lớp công lập, nhất là tại nội thành thì không tăng kịp, thậm chí có thể nói là “dẫm chân tại chỗ”. Tình trạng thiếu trường lớp ở Hà Nội đã tồn tại trong nhiều năm, ngay cả cấp mầm non, tiểu học, cũng đối mặt với áp lực này. Ngành Giáo dục Thủ đô cũng đã có lần đề cập tới việc xây thêm trường lớp, nhưng từ đó tới nay hầu như số lượng trường công không thay đổi là bao. Dư luận đã nhiều lần lên tiếng về việc liên tiếp các dự án chung cư được xây dựng, kéo theo “hàng túi nhân khẩu”, nhưng không hề kèm trường học các cấp. Và đến giờ này, quả thật Hà Nội cần có một câu trả lời thật thẳng thắn: Ai là người phải chịu trách nhiệm trước tình trạng quy hoạch đô thị thả phanh cho cao ốc, nhưng lờ đi hạ tầng xã hội đi kèm, trong đó có hệ thống trường học cho thể hệ tương lai? Giải pháp nào hiệu quả cho tình trạng này, và khi nào thì những kế hoạch vể tăng số trường, số lớp trở thành hiện thực?
Video do phụ huynh cung cấp về tình cảnh xếp hàng xuyên đêm giành chỗ cho con em vào lớp 10 hệ dân lập tại Hà Nội:
2. Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp HĐND TP Hà Nội chiều 5/7, Giám đốc Sở GD -ĐT Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định: “Hà Nội không thiếu chỗ học".
Quả thực, nếu xét về tổng số trường lớp thì Hà Nội có vẻ không thiếu chỗ học cho học sinh. Không đỗ trường điểm chuẩn cao, thì vào trường điểm chuẩn thấp. Trượt trường công lập nội thành, học sinh có thể học ngoại thành. Rồi nếu không học trường ngoại thành, vẫn còn các trường dân lập, tư thục, quốc tế, rồi cả trường nghề sẵn sàng đón các thí sinh không thể học bậc THPT….
Nhưng đó chỉ là cách tính nhẩm cơ học. Thực tế rất khác. Không phải mọi học sinh từ nội thành có thể đăng ký học trường ngoại thành cách hàng vài chục cây số, trong điều kiện giao thông hiện nay. Không phải mọi gia đình đều có thể gánh vác mức học phí cao (có trường gấp hàng vài chục lần) của các trường tư, trường quốc tế. Và cho dù chủ trương định hướng học nghề là đúng đắn, nhưng cũng vẫn có thực tế phiền lòng khi bên cạnh những thí sinh học lực yếu, thì cũng có những thí sinh dù kết quả thi không thấp, cũng không có lựa chọn nào khác ngoài việc từ bỏ hệ THPT.
Và nếu quan sát sâu hơn vào kết quả tuyển sinh vào các trường THPT công lập của Hà Nội, sẽ thấy đa số các trường nội thành, nhất là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Cầu Giấy…, điểm trúng tuyển dù đã hạ, vẫn trên con số 40. Điều này có nghĩa thí sinh phải có điểm trung bình trên 8 điểm/môn thi, nghĩa là phải học lực giỏi mới có thể may mắn có chỗ trong trường công lập. Suýt soát 8 điểm/môn tức là học lực khá, vẫn có thể bị đứng ngoài cổng trường. Thậm chí, có thí sinh điểm tới 40 vẫn trượt cả 3 nguyện vọng. Điều này một phần do quy định về khu vực đăng ký dự thi. Hà Nội chia 12 khu vực tuyển sinh, mỗi thí sinh được đăng ký ba nguyện vọng nhưng hai nguyện vọng bắt buộc phải trong cùng một khu vực tuyển sinh (nơi thí sinh đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc nơi gia đình cư trú). Những thí sinh thuộc khu vực Hoàn Kiếm, Ba Đình, nơi có nhiều trường tốp đầu, thật sự không có nhiều lựa chọn. Không ít thí sinh do đăng ký nguyện vọng không hợp lý nên khi trượt nguyện vọng 1, trượt luôn cả nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3. Vậy là trong số trên 33.000 thí sinh trượt nguyện vọng vào các trường công lập ở Hà Nội, có những thí sinh điểm khá tốt vẫn đứng ngoài cổng các trường công. Và trong khi có những trường điểm chuẩn trên 40, không hạ, thì Hà Nội cũng có những trường 3-4 điểm/môn vẫn trúng tuyển.
Thêm vào đó, bất kỳ gia đình nào có con em trải qua kỳ tuyển sinh cũng cảm nhận những “công đoạn” còn cân não hơn cả lúc thí sinh ngồi trong phòng thi. Đó là việc ngay trước khi diễn ra kỳ thi, cả thí sinh và phụ huynh phải giải một bài toán cực khó với dữ liệu luôn biến động, là đăng ký nguyện vọng dự thi. Các bậc phụ huynh ở Hà Nội nhiều năm nay vẫn phải sưu tầm, theo dõi đỉểm trúng tuyển của toàn bộ các trường trong 2 - 3 năm, thậm chí 4 - 5 năm liên tiếp, để tự "đoán" điểm trúng tuyển (còn gọi là điểm chuẩn) năm nay của trường. Các mùa thi trước, có bậc phụ huynh, để “ăn chắc” đã phải ép con đăng ký vào trường thuộc hàng top dưới – trong khi điểm thi của con xứng đáng trường tốt hơn, khiến đứa trẻ đi học trong miễn cưỡng, vì không đúng theo mong muốn. Mùa thi năm 2023, vì quá nhiều phụ huynh chọn phương án “ăn chắc”, nên một số trường thuộc top 2, lại trở thành những trường có tỷ lệ chọi cao ngất ngưởng, và trở thành “cửa tử”, khiến thí sinh “rụng như sung”. Vậy là việc đăng ký trước khi thi nhiều lúc như một ván bài may rủi, nhưng lại có khả năng quyết định khả năng đỗ hay trượt của thí sinh chứ không phải trình độ của các con.
Và trong thời điểm mệt mỏi bởi quá nhiều áp lực thi cử, những câu hỏi lại tiếp tục được đưa ra: Những bất cập trong phương án tuyển sinh, trong cách thức đăng ký nguyện vọng…, của kỳ thi này sẽ được rút kinh nghiệm ra sao cho các mùa thi sau? Khi nào thì Sở Giáo dục và Đào tạo có phương án tuyển sinh thật sự hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong mọi công đoạn tuyển sinh, vừa giảm áp lực, vừa bảo đảm quyền lợi cao nhất cho thí sinh và người nhà, lại vừa khiến công tác tuyển sinh của thành phố trở nên gọn nhẹ, hiệu quả hơn?
Mùa tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại Hà Nội sắp kết thúc. Lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng dự kiến từ năm sau, công tác đăng ký nguyện vọng sẽ theo hình thức online. Nhưng đăng ký online chỉ là giải pháp nhằm không có cảnh phụ huynh xếp hàng trước cổng trường, còn về bản chất, thí sinh và phụ huynh sẽ vẫn phải xếp hàng trước màn hình điện tử, nếu số trường lớp chưa được tăng thêm và chưa tìm được phương án tuyển sinh ưu việt hơn cho kỳ thi vào lớp 10.
Chừng nào những câu hỏi nhức nhối về trách nhiệm của tình trạng thiếu trường lớp và phương án tuyển sinh chưa tối ưu, cùng những giải pháp hiệu quả và tiến bộ cho tình trạng này chưa được trả lời, thì áp lực của kỳ thi vào THPT của Thủ đô sẽ vẫn còn đó. Áp lực lại dồn thêm vào năm sau, như bao năm nay vẫn vậy, với tỷ lệ chọi thậm chí cao hơn vào Đại học, với cuộc đua tìm chỗ học trường công ngày càng quyết liệt, với con số thí sinh đứng ngoài cổng trường THPT (công lập) ngày càng nhiều lên, và với sự bức xúc lẫn thất vọng của của biết bao tấm lòng tâm huyết, trăn trở với sự nghiệp trồng người.