Chỉ trong thời gian một tháng, Đảng ta đã ban hành hai quy định liên quan tới thẩm quyền của người đứng đầu. Đó là Quy định số 142-QĐ/TW thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ (Quy định 142) và Quy định số 148-QĐ/TW về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong người hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước (Quy định 148).
Với Quy định 142, người đứng đầu được quyền giới thiệu 01 nhân sự cho 01 chức danh bầu cử, bổ nhiệm cấp phó cả từ nguồn tại chỗ lẫn nguồn ở nơi khác và giới thiệu nhân sự bầu bổ sung uỷ viên ban thường vụ cấp uỷ khi khuyết số lượng ủy viên ban thường vụ. Quy định 142 cũng cho phép người đứng đầu được quyền xem xét bổ nhiệm, miễn nhiệm cấp trưởng của tổ chức, cơ quan, đơn vị ở cấp hành chính do mình trực tiếp quản lý theo quy định.
Với Quy định 148, người đứng đầu căn cứ vào thẩm quyền theo quy định có quyền quyết định tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cán bộ cấp dưới có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng như bị khởi tố để phục vụ công tác điều tra hay trong quá trình xem xét, xử lý hành vi vi phạm của cán bộ, có cơ sở xác định phải xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên hoặc xử lý bằng pháp luật hình sự mà cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án có văn bản đề nghị tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ. Đáng lưu ý là Quy định 148 còn cho phép người đứng đầu có quyền quyết định tạm đình chỉ công tác với cán bộ cấp dưới trong một số trường hợp cần thiết như cán bộ có hành vi vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống gây ảnh hưởng tiêu cực, bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến uy tín tổ chức, cá nhân; cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao; cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trong quá trình thực thi công vụ….
Cùng với việc tăng quyền cho người đứng đầu, cả Quy định 142 và Quy định 148 đều đưa ra các quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Ví dụ với việc giới thiệu nhân sự, người đứng đầu phải bảo đảm về tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực công tác của nhân sự do mình giới thiệu và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu trong các trường hợp như giới thiệu cán bộ để bầu cử, bổ nhiệm thiếu công tâm, khách quan; không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực công tác. Còn trong việc tạm đình chỉ công tác, người đứng đầu chỉ được đưa ra quyết định liên quan dựa trên các căn cứ mà Quy định 148 đã nêu. Nói cách khác, khi được tăng quyền, người đứng đầu cũng bị ràng buộc bởi trách nhiệm của mình và bị xử lý nếu làm sai.
Người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị là người được trao quyền để thực thi nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý, điều hành mọi hoạt động ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Họ có vai trò quan trọng, quyết định đến kết quả lãnh đạo, quản lý, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Là người có quyền hạn cao nhất, họ cũng phải chịu trách nhiệm chính về những hoạt động của địa phương, cơ quan, đơn vị do mình phụ trách.
Thực tế cho thấy hầu hết người đứng đầu đều tuân thủ pháp luật, nắm chắc chức trách, nhiệm vụ được giao, lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ, kế hoạch mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, vẫn có hiện tượng người đứng đầu bổ nhiệm người nhà, người thân quen thiếu các tiêu chí, thậm chí không nằm trong quy hoạch để khi luân chuyển hoặc về hưu thì “cánh hẩu” lên thay đảm bảo mình “hạ cánh an toàn”, thậm chí vẫn còn có thể “múa tay sau hậu trường”. Cũng có hiện tượng cán bộ có đạo đức kém, lối sống buông thả, đùn đẩy, né trách trách nhiệm, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp…, gây ảnh hưởng xấu, nhưng người đứng đầu không thể làm gì vì “tập thể lãnh đạo” không đi đôi với “cá nhân phụ trách”.
Do đó, Quy định 142 và Quy định 148 được xem là sự đột phá, chấm dứt tình trạng tồn tại lâu nay là không có cá nhân nào phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra sai lầm trong giới thiệu nhân sự cũng như tình trạng cán bộ “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” gây bức xúc trong dư luận và khi để công việc ở địa phương, cơ quan, đơn vị bị trì trệ… Những quy định này thể hiện rõ sự thống nhất giữa quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn, xác định rõ thẩm quyền cũng như trách nhiệm người đứng đầu.
Nhân dân đặt niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự quản lý của Nhà nước, trước hết là nhìn vào những người đứng đầu mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị. Nếu người đứng đầu trong sạch, không tham lam, hết lòng vì quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và sử dụng quyền lực của mình đúng quy định, hiệu quả mang lại sẽ rất lớn, đặc biệt là trên phương diện củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Muốn làm được điều đó, một trong những vấn đề cốt yếu và quan trọng là người đứng đầu phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ, trách nhiệm và luôn ghi tâm khắc cốt lấy cống hiến làm trọng. Về vấn đề này, khi sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói người đứng đầu phải “làm đầu tàu, phải gương mẫu, phải thực hành phê bình, tự phê bình để làm gương cho mọi người”.