Khi nông sản thành “con tin” của thương lái nước ngoài

Hàng loạt mặt hàng nông sản như khoai lang, dừa... ở đồng bằng sông Cửu Long bị thương lái Trung Quốc ép giá khiến nông dân phải bán rẻ như cho mới thấy trong thời hội nhập, thị trường trong nước “trống tuềnh, trống toàng” để cho thương lái nước ngoài tự tung tự tác, lũng đoạn; khiến cho nông sản trở thành “con tin” trong tay thương lái.


Cái mẹo vặt thương trường của những thương lái này là đẩy giá nông sản lên cao bất ngờ để “dụ” nông dân đổ xô vào sản xuất; khi sản phẩm làm ra ê hề thì họ nại ra lý do này nọ để hạ giá sản phẩm; đẩy nông dân vào tình trạng nếu bán thì lỗ mà không bán cho họ thì chỉ còn cách đổ đi; và thậm chí, như cây dừa Bến Tre, là người trồng chặt phá dừa, gây lãng phí về tiền bạc trước mắt; và về lâu dài là phá vỡ cơ cấu ngành nghề, gây xáo trộn trong sản xuất và đời sống của cả một vùng mà bao đời nay đã sống chết với cây dừa.


Cũng với cái mẹo thương trường mà thương lái Trung Quốc lại mua gạo thơm trộn một nửa gạo thường nhưng vẫn trả bằng giá gạo thơm; khiến nhiều nông dân ham lợi mua gạo pha trộn vào bán cho họ. Từ đó, những sản phẩm “Made in Vietnam” kiểu này lan tỏa ra thị trường quốc tế; khiến người tiêu dùng có cái nhìn khác về thương hiệu gạo của một quốc gia xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới


Vậy ta có thể đặt câu hỏi: Thương lái Trung Quốc làm chuyện này vì mục đích gì? Phải chăng đó là những “bước đi ban đầu” nhằm vào hạt gạo xuất khẩu của chúng ta; làm cho thương hiệu gạo Việt Nam giảm sút uy tín, mất thị trường để họ quay lại lũng đoạn thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam?


Rõ ràng, việc dìm giá, ép giá, thao túng thị trường… đã không còn là “mẹo vặt” con buôn nữa. Điều đó buộc chúng ta phải có cái nhìn đúng bản chất để đề ra chiến lược bảo vệ thương hiệu; trước hết là với các nông sản xuất khẩu chủ lực như gạo, cà phê…


Xây dựng thương hiệu quốc gia là sự nghiệp của toàn dân; bảo vệ thương hiệu quốc gia cũng là sự nghiệp của toàn dân. Thực tế từ các vùng sản xuất nông sản đến các vùng nuôi và đánh bắt thuỷ hải sản ở nước ta, cho thấy thương lái nước ngoài đang núp bóng doanh nhân Việt Nam đến tận nơi sản xuất thu gom sản phẩm, trốn thuế rồi chở về nước. Trong khi nhiều nhà máy trong nước thiếu nguyên liệu sản xuất.


Để giải quyết tình trạng này, chính quyền địa phương phải cùng với cả hệ thống chính trị phát hiện và ngăn chặn những thương lái mua bán trốn thuế, những doanh nghiệp làm đầu nậu thu gom hàng hoá cho thương lái; và kiên trì vận động nông dân nuôi trồng, canh tác theo qui hoạch, không vì lợi ích trước mắt mà bị “sập bẫy” thương lái, để rút cục sa vào cái vòng luẩn quẩn “chặt - trồng, trồng - chặt”. Đồng thời, tại các vùng nguyên liệu cần phải phát triển công nghiệp chế biến, hạn chế xuất khẩu thô nhằm tăng giá trị nông sản, tăng thu nhập cho nông dân; nhất là đảm bảo đầu ra cho nông sản. Làm được như vậy thì nông dân sẽ làm chủ được sản phẩm do mình làm ra; nông, hải sản sẽ không còn là “con tin” trong tay thương lái nước ngoài.


Nguyễn Quang Vinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN