Có nhận định chung, đó là vấn đề chất thải, đặc biệt là chất thải độc hại đang trở thành nguy cơ, hậu quả để lại khôn lường. Không còn nghi ngờ gì, vấn đề chất thải đang trở thành vật cản, gây những tác động xấu tới môi trường, sức khỏe cộng đồng và tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Có một sự thật là nhiều địa phương, nhiều ngành chỉ chú tâm lo “đầu vào” làm ra sản phẩm vật chất, mà chưa quan tâm đúng mức cho “đầu ra” là chất thải, tức là coi nhẹ yếu tố môi trường. Trong khi ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm do xả thải từ sản xuất công nghiệp, gây ra những hậu quả nặng nề cho xã hội, thì việc giám sát, kiểm soát của cơ quan chức năng lại bộc lộ không ít lỗ hổng. Có thể đặt ra rất nhiều câu hỏi về sự bất cập, hạn chế của hoạt động giám sát xả thải công nghiệp gây ô nhiễm môi trường… Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, ô nhiễm môi trường do nước thải từ khu công nghiệp (KCN) những năm gần đây có tốc độ gia tăng cao hơn nhiều so với nước thải từ các lĩnh vực khác. Trong số hơn 200 khu công nghiệp đang hoạt động, thì phần lớn đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tuy nhiên, trên thực tế, hệ thống này vận hành cầm chừng, không hiệu quả, nước thải sau xử lý chưa đạt quy chuẩn Việt Nam.
Thực tế cho thấy, rất nhiều dự án đã vận hành cũng như những dự án mới được phê duyệt (đặc biệt tại các khu công nghiệp), vấn đề xử lý, thu gom chất thải phần lớn phó mặc cho doanh nghiệp, mạnh ai nấy làm, thiếu sự giám sát của chính quyền địa phương cũng như cơ quan chức năng. Liên tục những vụ chôn lấp chất thải công nghiệp độc hại được phát hiện tại nhiều địa phương trong thời gian gần đây cho thấy, hoạt động quản lý chất thải công nghiệp đang có nhiều vấn đề.
Đặc biệt, việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, quan trắc môi trường ở khu vực có cơ sở sản xuất công nghiệp đang rất thiếu tính hệ thống, không có sự kết nối giữa các cơ quan chuyên ngành và địa phương. Tình trạng phổ biến trong việc xử lý chất thải hiện nay là các doanh nghiệp ký hợp đồng xử lý rác thải cho một đơn vị đảm nhiệm. Đơn vị chở thải đem về phân loại, những chất có thể tái chế được thì tận dụng, còn chất thải độc hại thì thải trực tiếp ra môi trường hoặc bị trộn lẫn trong rác thải sinh hoạt rồi đem chôn lấp, thậm chí có trường hợp bán lại cho nông dân bón ruộng gây tác hại nghiêm trọng về môi trường...
Câu chuyện xử lý chất thải của Công ty Formosa Hà Tĩnh là bài học đắt giá đối với công tác quản lý cũng như xử lý chất thải tại các khu công nghiệp hiện nay. Từ việc kiểm soát, quản lý chưa tốt, cộng với ý thức bảo vệ môi trường của doanh nghiệp chưa cao, đã gây ra hậu quả khôn lường. Do vậy, vấn đề đặt ra là khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp hướng tới việc nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý chất thải rắn trong thời gian tới là hết sức cần thiết.
Nhiều ý kiến đề nghị, cùng với việc kiện toàn hệ thống kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng, cũng cần mở rộng quyền giám sát cho các tổ chức xã hội, người dân. Bởi, vấn đề bảo vệ môi trường cũng là trách nhiệm chung của toàn xã hội, từng cá nhân phải nhận thức được trách nhiệm và cùng chung tay bảo vệ môi trường, tạo ra sự chuyển biến tích cực, tiến tới ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm môi trường.
Hơn bao giờ hết, nếu không bắt tay ngay vào việc giải bài toán chất thải, thì chính chúng ta và cả con cháu chúng ta nữa - phải gánh chịu hậu quả nặng nề là tất yếu.