Tuy nhiên, vụ việc cũng cho thấy, sự chây ì, coi thường kỷ cương của chủ đầu tư, cũng như sự thiếu thống nhất và quyết đoán của các cơ quan chức năng. Bởi tới thời điểm cưỡng chế (ngày 6/3), tức gần 5 tháng vụ việc được phanh phui, công trình vẫn “trơ gan” như thách thức dư luận.
Phải thấy rằng, sai phạm tại công trình nhà 8B Lê Trực là một điển hình về sự yếu kém, cũng là bài học đắt giá trong công tác giám sát, quản lý xây dựng đô thị ở Thủ đô. Nằm ngay gần khu trung tâm chính trị Ba Đình, vậy mà công trình này vẫn ngang nhiên xây vượt tầng, sai phép, chẳng khác gì một “con voi chui lọt lỗ kim”. Rõ ràng, đây là vi phạm nghiêm trọng, không chỉ trong trật tự xây dựng, ảnh hưởng lớn đến không gian, kiến trúc, cảnh quan, mà còn làm tổn hại nghiêm trọng tới kỷ cương trong quản lý xây dựng đô thị. Những năm gần đây, rất nhiều vụ vi phạm về trật tự xây dựng ở Thủ đô, khi tiến hành cưỡng chế gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều công trình vi phạm với tính chất nghiêm trọng, nhưng việc xử lý cũng chỉ “giơ cao đánh khẽ”, hoặc ưu ái nộp phạt rồi cho tồn tại. Hậu quả, quy hoạch đô thị bị phá vỡ, mất cảnh quan đô thị do không xây dựng đồng nhất theo quy định. Không chỉ có 8B Lê Trực, lợi dụng sự lỏng lẻo, kẽ hở trong quản lý xây dựng, mà rất nhiều dự án cao ốc khác, chủ đầu tư cũng tự ý nâng số tầng (hoặc làm thủ tục xin tăng thêm số tầng), chuyển đổi công năng … dẫn tới mật độ dân số tăng cao, gây áp lực cho hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội cũng như việc quản lý của chính quyền sở tại.
Thực tế, nhiều công trình xây dựng sai phạm, lực lượng chức năng phát hiện, chỉ lập biên bản xử phạt, mà không tiến hành giám sát tới cùng. Thậm chí, lực lượng chức năng ở cơ sở phường, xã kiểm tra hàng ngày, biết rõ vi phạm nhưng vẫn "làm ngơ" để công trình mọc lên sai giấy phép với quy mô ngày một lớn. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến những khiếu kiện kéo dài, vượt cấp khi mà vi phạm không được các cấp chính quyền, ngành chức năng giải quyết kiên quyết, dứt điểm, tới nơi tới chốn.
Thẳng thắn nhìn nhận, để xảy ra sai phạm nghiêm trọng tại công trình nhà 8B Lê Trực, trách nhiệm thuộc cả hệ thống bộ máy chính quyền cũng như cơ quan công quyền của thành phố. Vẫn biết, sai phạm về trật tự xây dựng tại công trình nhà 8B Lê Trực trước hết là do ý thức chấp hành các quy định pháp luật của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Tuy nhiên, do không kiên quyết xử lý từ đầu (chưa dám nói là bao che, tiếp tay cho sai phạm) dẫn tới mức độ sai phạm ngày một nghiêm trọng hơn. Do tính chất nghiêm trọng của vụ việc, UBND thành phố Hà Nội đã có kết luận và yêu cầu chính quyền địa phương khẩn trương ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử lý vi phạm và tổ chức xử lý vi phạm trật tự theo đúng thẩm quyền, nhưng không hiểu sao, sự việc cứ chùng chình, câu giờ (chủ đầu tư công trình có công văn xin kéo dài thời gian hoàn thành việc phá dỡ). Điều đáng nói, gần 2 tháng sau khi có kết luận chỉ rõ các tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm phải chịu trách nhiệm và bị xử lý. Nhưng đáng tiếc, tới thời điểm cưỡng chế công trình, vẫn chưa có hình thức kỷ luật nào được công khai. Đáng lẽ, với những vụ việc gây bức xúc trong dư luận, cơ quan có trách nhiệm phải xem đây là cơ hội để lập lại kỷ cương. Đáng tiếc, thực tế đã không diễn ra như mong đợi của dư luận.
Điều mà dư luận chờ đợi lúc này là sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, các ngành chức năng đối với vụ việc nhà 8B Lê Trực, nếu không nó sẽ tạo tiền lệ xấu trong công tác quy hoạch và quản lý đô thị của Thủ đô.