Những ngày vừa qua, dư luận dậy sóng với nỗi muộn phiền của một số phụ huynh học sinh THCS tại Hà Nội. Theo phản ánh của một số phụ huynh, họ được “mời” tới trường, khuyên ký cam kết không cho con dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Lý do là học lực của các con quá kém, nếu thi thì sẽ trượt, từ đó ảnh hưởng tới thành tích thi đua của nhà trường. Cũng theo nguồn tin trên, nếu học sinh vẫn cố dự thi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, thì sẽ không được xét tốt nghiệp THCS; ngược lại nếu con đăng ký vào trường THPT dân lập, tư thục hoặc học nghề thì sẽ có “học bạ đẹp” để đưa đi xét tuyển.
Đại diện những trường, những Phòng Giáo dục bị chỉ đích danh, đã phủ nhận sự việc trên. Họ cho rằng đây chỉ là hoạt động tư vấn, hướng nghiệp thường niên tại các nhà trường, không ép uổng. Tuy nhiên, trong cộng đồng các bậc phụ huynh, những câu chuyện tương tự vẫn được chia sẻ thêm, cho thấy không chỉ năm nay, mà từ nhiều năm trước, những sự việc đáng buồn này vẫn khiến không ít bậc phụ huynh tủi hổ, hoặc lặng lẽ xin chuyển trường cho con, hoặc chấp nhận ký lá đơn “tự nguyện”, đưa các học trò hết cấp 2 chuyển sang hệ học nghề.
Sự việc gây bức xúc trong dư luận, bởi những tình tiết vi phạm quy định về Luật Giáo dục, về quyền được học tập của học sinh, thể hiện “căn bệnh thành tích”, sợ kết quả đánh giá thi đua thấp…, của các trường. Việc từ chối cơ hội học tập của học sinh một cách phũ phàng sẽ gây tổn thương về tâm lý với học sinh và phụ huynh, không thể hiện được tinh thần nâng đỡ, giúp học sinh tiến bộ. Chính vì vậy, mặc dù chưa có kết luận cuối cùng về việc có hay không chuyện ép uổng học sinh và phụ huynh, nhưng việc đại diện giáo viên, nhà trường “gợi ý” về việc cho những học sinh có học lực yếu kém chuyển sang học nghề (hoặc học tiếp bậc THPT chỉ ở những trường theo quan niệm là dễ trúng tuyển như dân lập, tư thục) đã tạo ra sự bất bình không chỉ với phụ huynh và học sinh, mà còn với cả xã hội.
Tới giờ này, không biết có bao nhiêu học trò vì “thành tích” của các nhà trường mà đã phải “rẽ ngang” con đường học vấn, để học nghề, thay đổi hướng đi của cuộc đời. Cũng chưa có thống kê đầy đủ về những học sinh trong số này đã thành công trên hướng đi đó. Nhưng chắc chắn, sự tiếc nuối trong mỗi học sinh và phụ huynh là hiện hữu, bởi nếu chỉ căn cứ vào học lực, ở mới chỉ bậc THCS, để yêu cầu các học sinh rẽ ngang sang học nghề, thì có lẽ là chưa đầy đủ và quá sớm. Bản thân đa số các em học sinh chưa thật sự bộc lộ được hết năng lực, xu hướng nghề nghiệp và hiện vẫn đang có nhiều ước mơ cho tương lai nên chưa thể “chốt” một hướng chắc chắn. Bên cạnh đó, học tập là một hành trình dài, và sức bật của mỗi cá nhân là khác nhau, chưa kể môi trường học tập, động cơ và “tâm” cũng như “tầm” của người dẫn dắt (thầy cô giáo) tốt, có thể khiến nhiều học sinh có những biến chuyển tích cực. Nếu được khơi gợi, động viên, dẫn dắt đúng hướng, chắc chắn nhiều học sinh dù hiện tại kết quả học tập chưa tốt, nhưng vẫn có thể tiếp tục học tập, nghiên cứu, và thành công ở những chặng đường tiếp theo. Công việc này, đối với các giáo viên và nhà trường, chắc chắn khó khăn hơn là việc đưa ra những ấn định vô cảm chỉ để đáp ứng ngay lập tức những tiêu chuẩn về “học lực”.
Có lẽ sau sự việc “gây shock” vừa qua, công tác hướng nghiệp trong các nhà trường sẽ phải có những điều chỉnh. Chủ trương định hướng nghề nghiệp là đúng đắn và cần tiếp tục duy trì. Nhưng nhận thức của người thực hiện, trình độ đánh giá cũng như “cái tâm” của mỗi giáo viên, nhà quản lý đối với học sinh của mình và cách thức truyền tải thông điệp về hướng nghiệp tới người học… sẽ cần phải có những chuyển biến. Tương lai của mỗi học sinh, không chỉ là hy vọng của cha mẹ, mà cũng là sự nghiệp của chính những người làm công tác giáo dục. Người học cần nuôi ý chí và khát khao vươn tới; người dạy cần tâm huyết, thật sự vì học sinh. Cha mẹ là người hiểu con mình hơn ai hết, cần biết lựa chọn nào là tốt nhất cho con em mình, biết cần ứng xử, lựa chọn như thế nào, thậm chí cần cả sự mạnh mẽ phản kháng trong những trường hợp phải đấu tranh vì quyền lợi và cơ hội của con em.
Có như vậy, những quyết định về tương lai của mỗi con người mới thật sự chính xác, chứ không vội vàng, phiến diện và vô cảm.