Một trong những quy định được nêu trong Quy chế thực hiện kỷ cương hành chính và văn hóa công sở vừa được UBND TP Hà Nội ban hành là công chức văn phòng phải nhã nhặn, không được nói tục. Công chức văn phòng phải lắng nghe ý kiến, giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về các quy định liên quan đến giải quyết công việc. Ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc; không nói tục, dùng tiếng lóng...
Thật dễ hiểu khi Hà Nội ban hành Quy chế thực hiện kỷ cương hành chính và văn hóa công sở là nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đây cũng là hành động để cụ thể hóa Chương trình "Phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2015 đến 2020” của thành phố.
Lâu nay, dư luận thường phàn nàn, thậm chí thể hiện thái độ gay gắt về thái độ phục vụ của một phận cán bộ trong bộ máy công quyền ở Thủ đô, như hách dịch, nhũng nhiễu, gây phiền hà, ứng xử thiếu nhã nhặn... Kết quả cuộc điều tra thực trạng văn hóa ứng xử tại các cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, nơi công cộng và khu dân cư ở Hà Nội, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện mới đây cho thấy, 88% người được hỏi cán bộ lãnh đạo có hành vi ứng xử không phù hợp; 95% cho rằng công chức, viên chức ứng xử không phù hợp. Ngoài ra, số liệu cũng thể hiện công chức, viên chức ở các cơ quan hành chính còn dĩ hòa vi quý, bớt xén thời gian làm việc (đi muộn về sớm); có tâm lý sợ đấu tranh, ghen ghét, đố kỵ với người hơn mình; nịnh trên, nạt dưới, bè phái cục bộ, dối trá; nói không đi đôi với làm; đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; ích kỷ, vụ lợi cá nhân... Những biểu hiện vừa nêu, không chỉ là những hạt sạn trong văn hóa công sở, mà còn trở thành vật cản lớn trong tiến trình cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền của Thủ đô.
Rất nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính gây nên những hành vi ứng xử không phù hợp trong các cơ quan hành chính Hà Nội trong những năm vừa qua, là do việc đánh giá chất lượng cán bộ còn thiên vị, cào bằng; cơ chế tuyển dụng, bố trí không đúng người, đúng việc; kỷ luật còn mang tính hình thức; khen thưởng, bình bầu thi đua không công bằng và điều kiện làm việc không tốt. Tất cả những điều đó không chỉ làm ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền, mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh của Thủ đô có truyền thống ngàn năm văn hiến.
Cũng vì lẽ đó mà Quy chế thực hiện kỷ cương hành chính và văn hóa công sở vừa được ban hành, đã được dư luận xã hội đón nhận và coi đây là một chủ trương lớn của thành phố cần sớm được cụ thể hóa và nhân rộng. Vấn đề đặt ra, việc xây dựng nếp sống văn minh nơi công sở là đòi hỏi cấp bách từ thực tế, nhưng mức độ thành công đến đâu còn tùy thuộc vào sự chuyển biến thực chất trong ý thức, trách nhiệm của từng cấp, ngành và của từng cán bộ, công chức, viên chức. Hay nói cách khác, văn minh công sở của Hà Nội chỉ có thể được hình thành và duy trì bền vững khi được xây dựng trên nền tảng của nhận thức, trách nhiệm và hành động của từng cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô.
Yến Nhi