Lọt vào bán kết giải châu Á, giành vé dự World Cup, U19 Việt Nam từ một đội bóng ít được dư luận chú ý, bỗng hoá thành người hùng.
Trong lịch sử, chưa từng có đội bóng nào (đá sân 11 người, ở mọi lứa tuổi) của Việt Nam giành được vé dự vòng chung kết bóng đá thế giới (World Cup). Bởi vậy, sẽ không quá khi nói rằng, U19 Việt Nam đã làm nên lịch sử cho bóng đá nước nhà. Phải khẳng định, để có được thành tích này là kết quả của một quá trình dài chuẩn bị.
Trước giải đấu, nhiều người không ngần ngại nói rằng, U19 Việt Nam chỉ là đội bóng lót đường, khi mà chúng ta cùng bảng đấu với những đội bóng hơn hẳn về đẳng cấp. Những người lạc quan nhất cũng không dám tin U19 Việt Nam lại vượt qua vòng đấu bảng U19 châu Á và chính thức đoạt vé dự World Cup. Nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra. Vượt qua sự mặc cảm, U19 Việt Nam thi đấu như lột xác, càng vào sâu càng hay. Điểm mạnh của lứa cầu thủ U19 lần này là tâm lý thi đấu ổn định, kỷ luật trong đấu pháp, thể lực bền bỉ, bản lĩnh vững vàng, đặc biệt là ý chí quyết tâm giành thắng lợi. Đó là những yếu tố cần thiết để các cầu thủ của chúng ta trụ vững tại một giải đấu ở tầm châu lục cũng như thế giới.
Sự kiện U19 Việt Nam lọt vào bán kết U19 châu Á và có mặt tại vòng chung kết U19 thế giới xứng đáng được ghi nhận là kỳ tích của bóng đá Việt Nam nói chung, bóng đá trẻ Việt Nam nói riêng. Đây cũng là thành tích đáng tự hào sau rất nhiều nỗ lực đổi mới và đầu tư căn cơ, bài bản trong công tác đào tạo phát triển bóng đá trẻ của các câu lạc bộ. Cần phải khẳng định, sở dĩ bóng đá Việt Nam có được lứa cầu thủ chất lượng như U19 hiện nay, trước hết là nhờ ở sự nỗ lực của các CLB trong việc đầu tư cho công tác đào tạo trẻ trong nhiều năm qua. Nhưng cũng phải thấy rằng, bóng đá Việt Nam không thể chỉ trông chờ ở một lứa cầu thủ, mà cần có nhiều lứa tuổi kế cận nhằm bảo đảm tính hệ thống trong đào tạo trẻ. Muốn làm được như vậy, sự đầu tư ở cấp CLB thôi chưa đủ, mà vai trò của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) hết sức quan trọng.
Khách quan nhìn nhận, dù có được sự thành công bước đầu (có người coi đó là thành công ngoài sự mong đợi), thì cũng không thể lấy đó để thỏa mãn, bởi thực chất công tác đào tạo cầu thủ trẻ của chúng ta vẫn có biểu hiện manh mún, cục bộ, theo kiểu mạnh ai nấy làm, thiếu tính liên kết giữa các trung tâm đào tạo với nhau, giữa VFF và các câu lạc bộ... Hiện nay, công tác đào tạo trẻ chủ yếu dựa vào điều kiện của câu lạc bộ và sự đầu tư của từng địa phương. Đơn cử, Quỹ Đầu tư và Phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF), một trung tâm đào tạo trẻ có uy tín, cũng chỉ là nơi tập hợp các cựu tuyển thủ về huấn luyện cầu thủ trẻ theo từng khóa, đồng thời cũng chưa định hình được đầu ra cho các cầu thủ trẻ. VFF thì không trực tiếp đào tạo cầu thủ trẻ, nhưng vẫn muốn ôm chuyện đào tạo cầu thủ nhằm tranh thủ nguồn kinh phí tài trợ từ FIFA.
Những năm 90 của thế kỷ trước, thông qua sự bảo trợ của FIFA, công tác đào tạo bóng đá trẻ của Việt Nam nhận được sự giúp đỡ của một số chuyên gia nổi tiếng đến từ một số quốc gia có nền bóng đá phát triển. Tuy nhiên, do bất đồng về quan điểm, nên phần lớn chuyên gia đã không trụ được lâu với bóng đá Việt Nam. Điển hình, ông Klau Efbighausen (được Ủy ban Olympic Đức tài trợ) cho sang hỗ trợ bóng đá Việt Nam, nhưng ông lại bị cô lập và sớm phải trở về nước. Tiếp đến là ông Rainer Willfeld (người Đức), người được đánh giá có kinh nghiệm trong công tác đào tạo trẻ, nhưng ông cũng không được VFF giao việc cụ thể, đành “ngồi chơi xơi nước”, chờ cho hết hợp đồng rồi về nước.
Có lẽ, đây là vấn đề cần được những người làm bóng đá nước nhà nhìn nhận và mổ xẻ một cách thấu đáo, nếu muốn bóng đá Việt Nam có nền tảng phát triển bền vững và bắt kịp với các nền bóng đá tiên tiến của châu lục và thế giới.