Bởi vậy, phát triển công nghiệp phụ trợ đang là một đòi hỏi cấp thiết vào thời điểm hiện tại. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), năm 2013, ngành may cả nước sử dụng 7,4 tỷ m2 vải các loại, nhưng phải nhập đến
6 tỷ m2. Hầu hết vải nhập khẩu được dùng để gia công hàng may mặc xuất khẩu. Mỗi năm, Trung Quốc bán sang Việt Nam khoảng 3 - 4 tỷ m vải với giá cả khá cạnh tranh. Theo một số chuyên gia trong ngành, kim ngạch xuất khẩu tương đương 6-7% GDP, nhưng chỉ tự đảm nhận được 25% nguyên phụ liệu, còn lại phải nhập khẩu từ Trung Quốc (khoảng 55 - 60%) và các nước khác (15 - 20%). Khi đề cập đến nguồn nguyên liệu thay thế, các chuyên gia ngành may cho rằng, có thể từ Ấn Độ, Indonesia, Pakistan vì giá cả cũng tương đương với Trung Quốc. Cùng với đa dạng thị trường nhập khẩu, để chủ động nguồn cung nguyên liệu về lâu dài, Việt Nam cần tính đến việc xây dựng nguồn cung cấp ngay trong nước và tăng tỷ lệ nội địa hóa nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần sự nỗ lực của doanh nghiệp và chính sách hỗ trợ đồng bộ của Nhà nước trong việc đầu tư máy móc, khoa học công nghệ; có chính sách cụ thể để khuyến khích, kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các dự án sản xuất nguyên phụ liệu tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cần phải thành lập một hệ thống doanh nghiệp có tính liên kết trong sản xuất, có sự phân công rõ ràng, chuyên môn hóa từng khâu.
Không chỉ dệt may, ngành sản xuất cá tra cũng đứng trong tốp đạt kim ngạch xuất khẩu cao, nhưng một con cá tra thành phẩm thì có tới 80% cấu thành bởi nguyên liệu thức ăn nhập từ Trung Quốc. Ngành sản xuất thép, sản xuất hạt điều…, ít nhiều cũng rơi vào tình trạng tương tự. Thực tế cho thấy, đây không phải là vấn đề riêng của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp của Nhật Bản và một số nước ASEAN cũng trong tình trạng tương tự. Để không phụ thuộc vào điều này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, chúng ta cần tập trung vào khâu chế biến, nâng cao chất lượng các mặt hàng xuất khẩu. Nếu làm tốt được điều này sẽ giải quyết được thị trường đầu ra cho sản phẩm. Bởi hiện nay đầu ra cho hàng hóa Việt Nam có nhiều, nhưng do chúng ta không đáp ứng được yêu cầu chất lượng, mà vẫn chỉ là sản phẩm thô, đây là vấn đề cần được quan tâm giải quyết trước nhất.
Tuy đứng trước nhiều thách thức, nhưng cơ hội cũng đang mở ra với các doanh nghiệp khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do, Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bởi, một trong những mục tiêu quan trọng của Việt Nam khi đàm phán gia nhập TPP là mở cửa thị trường hàng hóa, tạo điều kiện cho những mặt hàng có lợi thế của Việt Nam thâm nhập với quy mô lớn hơn, phạm vi rộng hơn vào thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, để biến cơ hội trở thành hiện thực không chỉ cần hoàn thiện hệ thống chính sách, cơ chế, mà còn đòi hỏi một quyết tâm mới của các doanh nghiệp và các nhà quản lý trong nước.
Yến nhi