Từ nhiều năm nay, cứ dịp hè đến, cả nước lại phát động Tháng hành động vì trẻ em với nhiều chủ đề khác nhau, hướng tới cái đích là chăm sóc, bảo vệ, tạo mọi điều kiện để trẻ em phát triển.
Với chủ đề “Lắng nghe trẻ em nói”, Tháng hành động vì trẻ em toàn quốc năm nay được tổ chức sáng 30/5 tại Hải Dương, cũng nhằm thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em (một trong bốn nhóm quyền cơ bản của trẻ theo Công ước của Liên hợp quốc), để trẻ nói lên tiếng nói của mình trước những vấn đề liên quan; qua đó, giúp trẻ phát triển năng lực cá nhân, tự tin, chủ động, chuẩn bị hành trang trở thành công dân có ích.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm, tổ chức nhiều diễn đàn lắng nghe ý kiến của trẻ em. Ý kiến của trẻ em từ từ các cuộc gặp với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phản ánh qua các cơ quan thông tin đại chúng, mạng Internet... không chỉ giới hạn trong các vấn đề ở trường học, vấn đề của tuổi học trò... , mà còn đề cập nhiều vấn đề “quốc kế dân sinh”, những chuyện nóng được toàn xã hội quan tâm, như ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, chăm sóc sức khỏe y tế, việc làm cho sinh viên sau khi ra trường, sử dụng chất xám... Những ý kiến trẻ em nêu thật sự bổ ích cho các nhà làm luật, các nhà hoạch định chính sách khi giải quyết các vấn đề liên quan đến trẻ em. Trên tất cả, là có thêm một “kênh” phát huy nội lực, từ nhiều khối óc tuy còn non trẻ, song đã biết nói và dám nói.
Tuy nhiên, trong xã hội, nhận thức về các quyền tham gia của trẻ em còn hạn chế. Việc thực hiện quyền tham gia của trẻ em trong gia đình, trong nhà trường trong xã hội chưa được quan tâm đúng mức. Trẻ em chưa thực sự được tham gia đầy đủ vào quá trình xây dựng pháp luật, chính sách, kế hoạch về trẻ em. Bởi vậy, thông qua Tháng hành động vì trẻ em năm nay, sẽ là dịp để các cấp, các ngành, chính quyền, các bậc cha mẹ, lắng nghe, xem xét và phản hồi các ý kiến của trẻ em, đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo cho trẻ có cuộc sống an toàn, lành mạnh, ngăn chặn tình trạng trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt hoặc bị tổn thương...
Phải thừa nhận rằng công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em hiện đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn. Thực tế, hiện nay nhiều em nhỏ ở nước ta, đặc biệt là các em nhỏ ở vùng sâu, vùng xa... còn gặp nhiều khó khăn trong học tập, vui chơi giải trí vì hoàn cảnh gia đình thiếu thốn. Các điểm vui chơi chưa đáp ứng được nhu cầu của trẻ em; các dịch vụ xã hội dành cho trẻ em còn hạn chế; số lượng trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích vẫn còn cao, nạn bạo hành trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em... đang có diễn biến phức tạp. Liên tiếp các vụ bạo hành trẻ em diễn ra trong thời gian gần đây đã khiến không ít người bàng hoàng về cách ứng xử đối với trẻ nhỏ của nhiều người trong vai trò làm cha, làm mẹ; vai trò của các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội, các ngành các cấp trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ. Vì sao chúng ta có hệ thống pháp luật, có các tổ chức bảo vệ trẻ em mà xu hướng bạo hành trẻ vẫn không giảm bớt? Kết quả khảo sát của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội với sự hỗ trợ UNICEF (Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc) cho thấy, có 73,9% số trẻ em Việt Nam từ 2 - 14 tuổi bị cha mẹ, hoặc người chăm sóc hay những người trong gia đình trừng phạt bằng bạo lực. Gần một phần tư số phụ nữ đã lập gia đình và có con dưới 15 tuổi cho biết, họ phải chứng kiến chồng mình có hành vi bạo lực đối với con cái trong suốt cả cuộc đời.
Bởi vậy, thông qua Tháng hành động vì trẻ em năm 2015 với chủ đề “Lắng nghe trẻ em nói”, hy vọng rằng những vấn nạn xấu liên quan đến trẻ em sẽ được đẩy lùi, ngăn chặn. Các em nhỏ - chủ nhân của chương trình này sẽ cất lên tiếng nói để qua đó, cơ quan chức năng tiếp thu và đưa ra hướng giải quyết những vướng mắc và tồn tại để hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn cho các em.
Xin dẫn phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2015 để thay lời kết cho bài viết này: “Mỗi người chúng ta hãy tĩnh tâm lại, nghe tiếng nói của con trẻ, nghe tiếng nói của lòng mình, những đứa trẻ muốn gì ở người lớn, chúng ta sẽ thấy rất nhiều điều. Mong rằng, bằng hành động, chúng ta hãy chăm lo cho các cháu để làm sao măng non mọc thẳng thành rừng tre. Nếu chúng ta chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em để các cháu vui, khỏe và giỏi giang hơn chúng ta, thì đấy là hồng phúc của nước nhà”.