Luật pháp đã quy định rất rõ ràng, một người chỉ bị coi là có tội khi bản án kết tội của tòa có hiệu lực pháp luật. Các bị cáo trong vụ án này còn có 15 ngày suy ngẫm để kháng cáo theo trình tự phúc thẩm. Tuy nhiên, với những gì đã diễn ra tại phiên tòa được xét xử công khai có sự theo sát của báo chí và công luận, bao gồm cả phần đối đáp của Viện kiểm sát giữ quyền công tố với các luật sư bào chữa, lời khai nhận tội của các bị cáo… chúng ta có cơ sở để tin tưởng rằng Hội đồng xét xử đã công tâm, khách quan, cẩn trọng đánh giá các chứng cứ, hậu quả… khi đưa ra một bản án nghiêm minh. Người viết không có ý định bình xét bản án nặng hay nhẹ, mà chỉ xin góp một góc nhìn về lẽ công bằng qua mỗi phiên tòa.
Với tất cả những người làm luật hay thực thi pháp lý, điều cốt lõi luôn phải khắc ghi là bảo vệ lẽ công bằng và tính nhân văn. Bản thân lẽ công bằng đã bao hàm tính nhân văn nhưng tính nhân văn được tách riêng để nhấn mạnh về việc thực thi công lý không có nghĩa cứng nhắc, bảo đảm được tính nhân văn thì mới bảo đảm được lẽ công bằng. Vì vậy, pháp luật yêu cầu không được để lọt tội phạm nhưng cũng không làm oan người vô tội. Người nào có hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự thì phải gánh chịu hậu quả tương ứng do pháp luật quy định.
Ở vụ án xảy ra tại OceanBank, nhớ lại thời điểm đó, khi các cơ quan quản lý đang nỗ lực áp dụng các biện pháp để ổn định nền kinh tế, thì với nguồn lực khổng lồ lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng từ Tập đoàn Dầu khí quốc gia, mà suy cho cùng là nguồn lực của Nhà nước, ban lãnh đạo OceanBank đã đi ngược lại chủ trương bình ổn lãi suất ngân hàng, bằng những hành vi trái quy định đã góp phần làm nhiễu loạn thêm thị trường, tạo điều kiện để người có chức quyền chiếm đoạt tài sản, tham ô tham nhũng. Con số sai phạm khủng tương ứng với mức án cao là điều dễ hiểu. Đặc biệt, hành vi tham ô tham nhũng đã được Đảng, Nhà nước xếp vào loại “đe dọa sự tồn vong của chế độ”. Cho nên mức án cao nhất còn là để răn đe chung đối với xã hội, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng.
Bản án nghiêm khắc, nhưng chúng ta cũng thấy tính nhân văn của pháp luật khi Hội đồng xét xử đã xem xét đến tất cả các tình tiết giảm nhẹ được luật quy định như phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, thành khẩn khai báo… mà giảm nhẹ một phần trách nhiệm cho nhiều bị cáo. Có lẽ những người theo dõi phiên tòa cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi các bị cáo qua quá trình xét hỏi và tranh luận, đã cúi đầu nhận tội, ăn năn hối cải xin hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Đó là khi họ đã phần nào thấu hiểu được lẽ công bằng, có làm có chịu.
Mỗi bản án đưa ra không chỉ là nhằm mục đích trừng trị người phạm tội mà còn mang tính giáo dục sâu sắc. Phiên tòa kết thúc với những hình phạt nghiêm khắc không có nghĩa là chúng ta cảm thấy hả hê khi công lý được thực thi, mà là dịp để mỗi người cùng suy ngẫm về lẽ công bằng. Để chúng ta sống, làm việc và hưởng thụ sao cho hợp với lẽ công bằng và đầy tính nhân văn.