Lệch chuẩn

Thông tin từ hội thảo “Phòng ngừa hành vi bạo lực trong học sinh nữ” được Hội LHPN Việt Nam tổ chức cuối tuần qua, cho thấy, số cuộc gọi đến đường dây nóng của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) phản ánh các vụ bạo lực học đường, mà đối tượng là học sinh nữ tăng 13 lần so với 10 năm về trước. Mức độ nghiêm trọng của bạo lực học đường khiến dư luận xã hội phải nhìn nhận nó như một vấn nạn cần phải chung tay phòng chống.

Chuyện bạo lực của nữ học sinh, sinh viên vô tình làm lộ ra nhiều lỗ hổng trong tư duy, tình cảm của giới trẻ; cũng đang làm xấu đi hình ảnh người phụ nữ Việt Nam vốn giàu lòng nhân ái. Kết quả một cuộc khảo sát (cũng được đưa ra tại hội thảo này) cho hay, có 96,7% học sinh Hà Nội tham gia trả lời phỏng vấn đã khẳng định có tình trạng nữ học sinh đánh nhau. Có tới 97,9% số nữ sinh từng đánh nhau không tỏ ra ân hận, không nhận thức được hành vi của mình, trong đó, 57,3% coi đánh nhau là việc bình thường và 39,6% cho rằng đây là hành vi “chấp nhận được”!? Và đáng sợ hơn cả là thái độ bàng quan, thờ ơ của những người đứng xem, cổ vũ, mà phần đông là các bạn trẻ. Thiếu tinh thần đấu tranh, thiếu sự kiên quyết chống lại cái xấu, cái tiêu cực, một bộ phận giới trẻ đã và đang chấp nhận sống chung với cái xấu. Đó là sự lệch chuẩn đạo đức nghiêm trọng, rất cần được điều chỉnh, uốn nắn kịp thời.

Đã đến lúc cần xác định trách nhiệm của gia đình, xã hội, của các ngành, các cấp trong cuộc đấu tranh phòng chống, ngăn chặn tình trạng này, xây dựng môi trường sống an toàn và bình yên cho thế hệ trẻ. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, nguyên nhân dẫn tới hành vi bạo lực của học sinh nói chung và học sinh nữ nói riêng thuộc về cả gia đình, nhà trường, xã hội và từ chính bản thân các em. Một chuyên gia tâm lý cho rằng: “Điểm xuất phát của tình trạng bạo lực học đường ngày càng lan tràn và chưa có dấu hiệu suy giảm là sự cô đơn bế tắc của trẻ. Cha mẹ mải chạy theo kinh tế, thầy cô chạy theo giờ hành chính, người lớn thiếu lòng yêu trẻ, khiến các em cảm thấy thiếu sự gần gũi, chia sẻ...”.

Để giải quyết được vấn đề bức xúc nêu trên, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của nhiều cấp, nhiều ngành cùng với gia đình và lòng nhân ái, mẫu mực của người lớn; đặc biệt là cha mẹ, ông bà của các em. Biện pháp tiên quyết vẫn là đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật về chống bạo lực trong giới trẻ, đặc biệt là trong học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, các bài giảng (cả ở chương trình chính khóa và hoạt động ngoại khóa) về đạo đức, lối sống cho học sinh cũng cần được đổi mới, để dễ nhớ, dễ hiểu và ngày một thấm sâu vào tâm hồn, lối sống của giới trẻ.

Y.N

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN