Lịch sự khi giao tiếp với dân

Gần đây báo chí dẫn phát biểu của ông Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt - đại tá Phạm Minh Tuấn trong buổi tập huấn “Nâng cao văn hóa ứng xử, đạo đức tác phong của lực lượng CSGT” diễn ra mới đây tại TP Hồ Chí Minh, rằng: "Cảnh sát giao thông chỉ chào hỏi người lịch sự, còn những người vừa dừng xe đã hỏi 'sao mày không chào tao' thì không cần phải chào". Phát biểu của ông Phó Cục trưởng ngay lập tức gây sự chú ý của dư luận, nhất là trong bối cảnh Quốc hội (Kỳ họp thứ 6) đang tiến hành thảo luận về dự thảo Luật Tiếp công dân.


Thoạt nghe câu nói của ông Phó Cục trưởng, nhiều người có cảm giác là ông nói đùa. Nhưng không, đây là phát biểu của ông trong buổi tập huấn “Nâng cao văn hóa ứng xử, đạo đức tác phong của lực lượng Cảnh sát giao thông”. Nhiều người bày tỏ sự thông cảm, có lẽ phát biểu của ông Phó Cục trưởng là xuất phát từ sự bức xúc của ông trước tình hình trật tự an toàn giao thông đang "hết sức phức tạp" hiện nay. Quả đúng vậy, không chỉ riêng ông Tuấn, người trong hàng ngũ thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông, mà với những người dân bình thường cũng cảm thấy có sự bất an trước tình trạng tai nạn giao thông có chiều hướng gia tăng, mà nguyên nhân một phần là do ý thức kém của người tham gia giao thông.


Sẽ không có gì để bàn cãi về câu nói của ông Phó Cục trưởng nếu người vi phạm có biểu hiện chống đối, thậm chí đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của cảnh sát giao thông. Trong trường hợp đó, người thực thi nhiệm vụ không thực hiện điều lệnh là đương nhiên. Còn với những trường hợp thông thường, thì phát biểu của ông Phó Cục trưởng gây sự phản ứng của dư luận cũng là dễ hiểu.


Với ai “được” nghe phát biểu của ông Phó Cục trưởng chắc sẽ tự đặt câu hỏi: Thế nào là người lịch sự? Mà tiêu chí về sự lịch sự đâu dễ định nghĩa. Thể hiện thái độ lịch sự có cần phải đứng nghiêm, cúi đầu, xoa tay khi gặp cảnh sát giao thông hay không? Làm thế nào để cảnh sát giao thông hiểu mình là người lịch sự? Quả là rối rắm? Còn với người dân khi không được cảnh sát giao thông chào liệu có mủi lòng, thậm chí phải sờ lên gáy xem mình có phải là người không lịch sự không?


Có lẽ tình hình sẽ bớt phức tạp, khi ban hành hẳn một văn bản về người lịch sự khi ứng xử với cảnh sát giao thông! Chắc chắn khi ấy, không may có bị cảnh sát giao thông thổi còi, người tham gia giao thông không còn phải cấn cá về hành động của mình nữa, tức là người dân phải có nghĩa vụ thể hiện hành vi lịch sự của mình với cảnh sát giao thông? Nói vậy, đây chỉ là ý kiến cá nhân, còn luật vẫn phải là luật, điều lệnh vẫn phải là điều lệnh, ý kiến của một cá nhân không thể thay thế được. Trong trường hợp người dân không lịch sự mà người làm nhiệm vụ vẫn tuân thủ điều lệnh (chào dân trước), thì chắc chắn hình ảnh của người cảnh sát giao thông trong mắt người dân sẽ rất đẹp, người dân sẽ càng nể trọng.


Bất chợt liên tưởng tới việc Quốc hội đưa dự án Luật Tiếp công dân vào kỳ họp lần này, một lần nữa thể hiện rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước ta trong việc xây dựng một nhà nước pháp quyền, của dân, do dân và vì dân. Bởi có gắn bó mật thiết với dân, lắng nghe tiếng nói của dân, làm tốt các công việc vì lợi ích của dân, chính là góp phần củng cố bộ máy, tạo dựng được uy tín của Ðảng, của chính quyền đối với nhân dân. Muốn thực hiện được mục tiêu nêu trên, thì không riêng lực lượng cảnh sát giao thông, mà mọi ngành, mọi cấp, mọi địa phương cần phải siết lại kỷ cương, chấn chỉnh thái độ của “công bộc” khi giao tiếp với dân.


Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN