Theo đó, ở những địa phương mà học sinh chưa thể đến trường học trực tiếp do dịch COVID-19 có thể được kiểm tra, đánh giá trực tuyến. Còn đối với những khu vực đã đáp ứng các yêu cầu phòng dịch thì các trường khẩn trương ôn tập và củng cố kiến thức cho học sinh, thực hiện kiểm tra thường xuyên, định kỳ trực tiếp.
Trước đó, trong văn bản ban hành ngày 13/12 về “Hướng dẫn tổ chức dạy học, đánh giá học sinh tiểu học thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông ứng phó dịch COVID-19”, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu đối với học sinh lớp 1 và lớp 2 làm bài kiểm tra định kỳ (cuối học kỳ 1, cuối năm) được tổ chức bằng hình thức trực tiếp. Trong trường hợp bất khả kháng, tại thời điểm kiểm tra định kỳ học sinh không thể đến trường để làm bài bằng hình thức trực tiếp, cơ sở giáo dục có trách nhiệm báo cáo phương án, điều kiện tổ chức cho học sinh bằng hình thức trực tuyến về Phòng GD-ĐT để được kiểm tra các điều kiện đảm bảo theo quy định trước khi thực hiện. Trong khi đó, Bộ cho phép các khối lớp tiểu học còn lại (lớp 3, 4, 5) có thể lựa chọn hình thức linh hoạt, trực tiếp hoặc trực tuyến.
Yêu cầu này đã khiến các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh băn khoăn khi ở nhiều địa phương học sinh lớp 1, 2 vẫn đang phải học trực tuyến. Học sinh lớp 1, 2 ở vùng xanh và vàng (mức độ dịch ở cấp độ 1, 2) như TP Hồ Chí Minh và Hà Nội còn chưa đến trường học trực tiếp ngày nào. Yêu cầu này thậm chí còn “gây khó” và “khắt khe” nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang căng thẳng hiện nay. Chưa kể, việc yêu cầu nhà trường phải làm báo cáo về Phòng GD-ĐT trong trường hợp “bất khả kháng” tổ chức làm bài bằng hình thức trực tuyến cho học sinh lớp 1, 2, trong khi với học sinh lớp 3,4,5 thì trường được lựa chọn linh hoạt cũng vô hình chung “tạo thêm việc làm” không cần thiết.
Mặc dù việc “nói lại cho rõ” của lãnh đạo Bộ GD-ĐT được thực hiện ngay sau hai ngày ban hành văn bản (ngày 15/12) đã giải toả những băn khoăn và lo lắng của cả nhà trường cũng như các bậc phụ huynh có con, em đang học lớp 1, 2, nhưng rõ ràng việc ban hành văn bản thiếu hướng dẫn chi tiết đã gây nên những xáo trộn nhất định. Trong khi đó, việc đánh giá kết quả học tập cũng như tổ chức thi cuối kỳ ở các cấp học bằng hình thức trực tuyến đã được thực hiện từ năm ngoái, nhất là với địa phương mà điều kiện dịch bệnh học sinh không thể tới trường. Tình huống này hẳn cũng đã được ngành giáo dục trù liệu và hoàn toàn có thể rút kinh nghiệm ban đầu để chủ động chuẩn bị kế hoạch cho năm học này.
Trong suốt hai năm qua, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng, làm gián đoạn quá trình dạy và học của cả thầy và trò trên cả nước, cũng là thực trạng chung của học sinh trên toàn cầu. Những học sinh đầu cấp, cuối cấp, nhất là những học sinh tiểu học lớp 1, lớp 2 đang học chương trình giáo dục phổ thông mới càng thiệt thòi hơn khi không được học trực tiếp.
Với diễn biến còn phức tạp của dịch bệnh, các địa phương đã điều chỉnh cả thời gian và khối lớp học trực tiếp, có nơi phải thu hẹp đối tượng, có nơi học sinh vừa học trực tiếp trong thời gian ngắn lại phải chuyển sang học trực tuyến. TP Hà Nội cũng phải điều chỉnh phương án, chỉ có học sinh lớp 12 ở những vùng có mức độ dịch ở cấp độ 1 và 2 đến trường học trực tiếp kết hợp trực tuyến (từ 6/12) thay vì toàn bộ học sinh THPT. Học sinh lớp 9 tiếp tục học trực tiếp như kế hoạch trước đó.
Khảo sát của ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh mới đây cũng cho thấy, hơn 70% phụ huynh (khoảng hơn 85.000 phụ huynh) có con học lớp 1 chưa đồng ý cho con đi học trực tiếp trong thời điểm này. Việc thí điểm cho học sinh lớp 9 và 12 đi học trực tiếp trở lại cũng được tiến hành rất thận trọng, sau hai tuần sẽ được đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm trước khi quyết định mở rộng thêm đối tượng học sinh đến trường. Tại Đà Nẵng, UBND TP cũng đã thống nhất đề xuất của Sở GD-ĐT tạm dừng cho học sinh lớp 1 đến trường từ ngày 13/12...
Thực tế, cùng với việc phủ rộng vaccine trong toàn dân và đẩy mạnh tiêm vaccine ngừa COVID-19 với trẻ em trong thời gian qua là giải pháp được cho là hữu hiệu nhất để sớm có thể đưa học sinh trở lại trường học. Nhưng, khi độ phủ vaccine tới học sinh còn hạn chế (chủ yếu là học sinh trung học phổ thông, theo phương thức hạ dần độ tuổi), trong khi các ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng trên cả nước, nhất là ca mắc trong cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo an toàn nếu đưa học sinh trở lại trường học.
Những ảnh hưởng của dịch bệnh với việc dạy và học càng rõ ràng hơn khi tiến hành đánh giá, kiểm tra kết quả học tập của học sinh vào cuối kỳ, cuối năm bởi lo ngại khó có thể đánh giá chính xác (do cả khách quan và chủ quan) chất lượng dạy và học. Đã có những tiền lệ chưa từng có trong ngành giáo dục nhằm thích ứng linh hoạt với tình hình dịch bệnh tại từng địa phương, như: Xét đặc cách thí sinh là F0 tốt nghiệp THPT; ở bậc cao hơn như đại học thì tổ chức cho sinh viên bảo vệ đồ án tốt nghiệp trực tuyến;... Năm học trước, tại Hà Nội, sau khi đã lùi lịch tới tận cuối tháng 7 (muộn hơn mọi năm gần hai tháng so khung chương trình của Bộ), nhiều trường đã phải tổ chức thi trực tuyến đánh giá kết quả học kỳ hai để kết thúc năm học.
Vì thế, việc tổ chức đánh giá, kiểm tra cuối kỳ ở các cấp học vẫn cần linh hoạt hơn nữa, nhất là với học sinh lớp 1, 2 không cần đánh giá bằng điểm số. Điều này cũng thể hiện sự ứng phó linh hoạt để thích ứng trong điều kiện dịch bệnh còn kéo dài, vừa đảm bảo chất lượng dạy và học, vừa đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả, đặc biệt là tránh những “áp lực” không cần thiết lên cả thầy và trò cũng như cho chính ngành giáo dục.