Tại hội nghị triển khai công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông mới đây, sau khi dẫn lại một số vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cảnh báo rằng, ngoài ý thức của người điều khiển phương tiện còn thấp, thì vấn đề quản lý, giám sát việc sát hạch cấp phép lái xe cũng như công tác kiểm định phương tiện đang bộc lộ nhiều lỗ hổng.
Xã hội hóa hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX), kiểm định phương tiện là chủ trương đúng. Tuy nhiên, công tác quản lý đối với hoạt động này chưa được chú trọng, thậm chí còn bị buông lỏng. Tình trạng “học chơi, bằng thật”, ăn bớt chương trình đào tạo xảy ra khá phổ biến ở nhiều cơ sở đào tạo lái xe, dẫn đến hàng năm cho ra lò hàng loạt lái xe kém tay nghề và nguy hiểm hơn, trong đó có nhiều lái xe khách! Mặc dù có GPLX, nhưng không ít tài xế rất mù mờ về Luật Giao thông đường bộ! Hậu quả thì ai cũng rõ. Trong số những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, theo đánh giá của cơ quan chức năng, lái xe sử dụng GPLX giả để hành nghề chiếm tỷ lệ không nhỏ.
Đáng báo động là hiện nay việc xử lý, ngăn chặn tình trạng làm GPLX giả chưa được chú trọng, GPLX giả được rao bán khắp mọi nơi, thậm chí cả trên mạng Internet. Có bao nhiêu tài xế sử dụng GPLX giả hiện chưa thể thống kê được. Trong khi đó, việc xử lý tình trạng này cũng gặp không ít khó khăn do chế tài xử phạt chưa đủ mạnh. Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân GPLX giả tăng là do kẽ hở trong quản lý cấp đổi, cấp lại GPLX. Lực lượng chức năng qua phân tích ngẫu nhiên 2.883 trường hợp sử dụng GPLX giả, thì phương thức chủ yếu của các đối tượng là sử dụng phôi GPLX giả chiếm 1.396 trường hợp (48,4%), tẩy xóa GPLX 504 trường hợp (17,4%), chữ ký con dấu giả 447 trường hợp (15,5%). Điều này cho thấy mức độ tinh vi của các đối tượng sử dụng GPLX giả thật đáng báo động.
Cùng với GPLX giả, việc để lưu hành các phương tiện không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật cũng đặt ra những dấu hỏi trong công tác quản lý các cơ sở đăng kiểm phương tiện xe cơ giới. Khá phổ biến trong khâu kiểm định phương tiện xe cơ giới là sự “đi đêm” giữa chủ phương tiện và nhân viên kiểm định. Chỉ cần bỏ ra một ít tiền cho các nhân viên kiểm định, là những phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn dễ dàng được bỏ qua. Mổ xẻ nguyên nhân một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gần đây cho thấy, các phương tiện này mặc dù vẫn trong thời hạn được phép lưu hành, nhưng các thiết bị, phụ tùng lại không đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, thậm chí một số phương tiện quá cũ nát vẫn được phép lưu hành. Nhiều lái xe cứ đến hạn đăng kiểm phương tiện là đi thuê, hoặc mượn phụ tùng còn đủ tiêu chuẩn để lắp vào phương tiện kiểm định. Thế nên, đã có vô số những phương tiện xe cơ giới không đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn vẫn đường hoàng lưu thông, cũng đồng nghĩa nguy cơ gây tai nạn từ những phương tiện này luôn rình rập.
Do vậy, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa giao thông, cần phải tăng cường kiểm tra, ngăn chặn “đầu ra” của những tài xế non tay nghề, thiếu đạo đức nghề nghiệp, thì mới hy vọng giảm bớt được những cái chết oan uổng cho những người dân vô tội.
Yến Nhi