Loại bỏ hành vi xấu

Cuộc tọa đàm “Nâng cao hình ảnh du khách Việt” nhắm tới đối tượng là người Việt Nam đi du lịch nước ngoài được Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức mới đây đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Đây được coi là bước khởi đầu, cũng là việc làm cần thiết hướng tới mục tiêu nâng cao hình ảnh của du khách Việt Nam khi đi du lịch ở nước ngoài, hạn chế và tiến tới loại bỏ các hành vi “kém văn minh” của một bộ phận du khách.

Sở dĩ dư luận quan tâm là bởi lẽ, lâu nay người Việt Nam đi du lịch ở nước ngoài ra sao ít khi được nhắc tới. Chỉ khi cá nhân này, đoàn nọ đoàn kia gặp sự cố, hay cô A, anh B bị cảnh sát nước sở tại “sờ gáy” do xả rác bừa bãi, hút thuốc nơi công cộng… thì mới thấy báo chí đề cập. Thế nên, vấn đề nâng cao hình ảnh du khách Việt xuất hiện trên báo chí, được coi là vấn đề mới, được dư luận quan tâm cũng là dễ hiểu.

Cũng có ý kiến, có nên “vạch áo cho người xem lưng”, bởi đó chỉ là một bộ phận rất nhỏ nên không thể đánh đồng? Thế nhưng, nếu không nói thẳng nói thật, thì chẳng biết bao giờ thói quen xấu của người Việt khi ra nước ngoài mới được loại bỏ. Có thể, đây chính là đích nhắm, cũng là mong muốn của những người làm công tác du lịch, nhằm kêu gọi sự hưởng ứng của đông đảo người Việt Nam nói chung cần thực hiện các hành vi văn minh, có văn hóa khi đi du lịch nước ngoài.

Thống kê của Hiệp hội du Du lịch Việt Nam cho thấy, trung bình mỗi năm, có xấp xỉ 6 triệu người Việt Nam đi du lịch ra nước ngoài, trong số đó, có những người mới đi lần đầu tiên, có người đi nhiều lần trong một năm. Điều đáng quan tâm, do ra nước ngoài lần đầu, mọi sự đều lạ lẫm, lại không được tư vấn và hướng dẫn, nên không ít du khách vẫn giữ thói quen tự nhiên như ở nhà, trong đó có cả thói quen xấu. Một số doanh nghiệp lữ hành đã đúc kết những tật xấu của du khách Việt Nam khi đi du lịch nước ngoài, như gây mất trật tự nơi công cộng, xả rác không đúng nơi quy định, lãng phí đồ ăn, chậm giờ, trang phục không phù hợp, không có thói quen xếp hàng…

Cần phải khẳng định, phần lớn người Việt Nam đi du lịch ở nước ngoài với mục đích mở rộng tầm mắt, tham quan danh lam thắng cảnh, tìm hiểu nét văn hóa, đời sống của người dân nước sở tại… Nhưng cũng không loại trừ, có một bộ phận nhỏ (rất nhỏ) du khách lợi dụng việc đi du lịch với động cơ là tìm mọi cách ở lại nước sở tại bất hợp pháp, gây ảnh hưởng không tốt đến du khách có nhu cầu du lịch thực sự... 

“Con sâu làm rầu nồi canh”, bởi những thói xấu, hành động xấu của một bộ phận khách du lịch Việt Nam ở nước ngoài không còn là chuyện của cá nhân, mà ảnh hưởng đến hình ảnh chung của người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

Vẫn biết, để thay đổi được hành vi, nhận thức của du khách không thể thực hiện một sớm, một chiều, nhưng sự thay đổi này cũng không thể chậm trễ hơn. Việc cần làm ngay là sự vào cuộc mạnh mẽ của các bên liên quan: Ngành Du lịch, doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên và các cơ quan thông tin đại chúng...

Có lẽ vấn đề cần làm trước tiên là ngành Du lịch cần có hướng dẫn, thậm chí phải xây dựng bộ quy tắc văn minh khi đi du lịch nước ngoài cho khách du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó là vai trò và trách nhiệm của các đơn vị lữ hành trong việc triển khai quy tắc ứng xử văn minh đến du khách và nhắc nhở du khách phải tuân thủ khi đi du lịch nước ngoài.

Yến Nhi/Báo Tin tức
Lời cảnh tỉnh từ các vụ cháy
Lời cảnh tỉnh từ các vụ cháy

Ba ngày sau vụ cháy gây hậu quả nghiệm trọng tại chung cư Carina Plaza (quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh) khiến 13 người chết và hàng chục người bị thương rạng sáng 23/3/2018, cơ quan chức năng vẫn đang điều tra tìm nguyên nhân hỏa hoạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN