Thật đau lòng cho bất cứ ai đứng trong hàng ngũ Công an Nhân dân khi đọc được thông tin về vụ ba cán bộ “trộm dê” của dân xảy ra vào trưa 26/6 với sự tham gia của một đại uý và hai thượng uý. Họ đi ô tô, mang theo súng hơi vào khu vực núi Mào Gà, thôn Ái Nàng, xã An Phú (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) để bắn chim. Trong lúc đi săn, nhóm người này đã bắn chết 2 con dê của người dân, cho vào cốp xe ô tô rồi đi về. Đến khu vực cầu Ái Nàng thì bị người dân phát hiện, chặn lại.
Ngay hôm sau, Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội đã ra quyết định tước danh hiệu Công an Nhân dân và tạm giữ hình sự đối với các cán bộ nêu trên. Công an Hà Nội cũng ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Trộm cắp tài sản. Diễn biến trong các clip lan truyền trên mạng cho thấy đây là vụ việc bắt người phạm tội quả tang, hành vi phạm tội khá rõ ràng, cho nên, việc khởi tố vụ án hình sự Trộm cắp tài sản là có căn cứ, đúng quy định pháp luật.
Cán bộ “trộm dê” của dân đã rất đáng lên án. Những cán bộ ấy lại gánh trên vai trách nhiệm của người thực thi pháp luật, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội thì càng phải lên án nhiều hơn, càng cần được xử lý bằng chế tài nghiêm khắc của pháp luật. Dư luận tin rằng, với động thái nhanh chóng, quyết liệt của cơ quan chức năng thì không có chuyện bao che hay dung túng cho hành vi sai phạm. Cùng với yêu cầu Công an huyện Mỹ Đức gặp trực tiếp xin lỗi và bồi thường gia đình người bị hại, một bản án nghiêm minh, có thể đối với cả hành vi tàng trữ, sử dụng súng trái phép, săn bắn trái phép, sẽ góp phần gìn giữ uy tín của lực lượng Công an Nhân dân.
Trong vụ việc nêu trên, Ban Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội còn chỉ đạo xem xét, xử lý trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo, chỉ huy có liên quan trong việc quản lý để cán bộ sai phạm, vi phạm pháp luật. Đây là một một quyết định đúng đắn của cơ quan chức năng. “Trộm dê” của dân, ba sỹ quan công an đã đánh mất danh dự và sự nghiệp, nhưng những cán bộ, lãnh đạo, chỉ huy cấp trên cũng khó tránh khỏi trách nhiệm liên đới. Ở đây cũng cần rút kinh nghiệm về việc giáo dục, quản lý cấp dưới. Nếu mặt công tác này được làm nghiêm thì sẽ khó có thể xảy ra vụ việc ảnh hưởng đến uy tín của cả ngành như vậy. Việc rút kinh nghiệm sẽ giúp tránh xảy ra những vụ việc đau lòng khác.
Không ai muốn phải xử lý, kỷ luật đồng chí đồng đội. Nhưng rõ ràng, nghiêm trị người phạm tội là để loại bỏ những nhân tố xấu, độc, hại và giúp xã hội ngày một phát triển bền vững hơn. Trên thực tế, chúng ta đã chứng kiến không ít tướng tá, cả công an lẫn quân đội, phải đứng ra trước vành móng ngựa. Họ phải nhận những bản án thích đáng cho hành vi coi thường kỉ cương, vi phạm pháp luật của mình. Những bản án nghiêm minh dành cho những phần tử biến chất, thoái hoá ấy, giống như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói, là “để cứu muôn người”.
Trước sự cám dỗ, nếu cán bộ đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, không đủ bản lĩnh, không giữ được cốt cách thì dễ dàng bị tha hoá, biến chất, nghiêm trọng hơn là đồng loã, tiếp tay hoặc trực tiếp thực hiện các hành vi phạm pháp. Những sai phạm này đánh thẳng vào niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước, huỷ hoại những thành quả tốt đẹp mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân gây dựng bấy lâu. Trong bối cảnh ấy, chúng ta cần nêu cao tinh thần “luật pháp bất vị thân”, rằng công lý nhất định phải minh bạch và công tâm để mang lại công bằng cho mọi người, góp phần củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước. Càng có nhiều cán bộ, đảng viên gương mẫu, Đảng ta càng vững mạnh, nhân dân càng thêm tin tưởng, sẵn sàng ủng hộ và thực hiện mọi chủ trương, đường lối đúng đắn mà Đảng đề ra.