Nhận thức rõ đây là công việc rất quan trọng, rất cần thiết, nhưng cũng đầy khó khăn, phức tạp, do liên quan tới tính mạng, sức khỏe người dân, Thủ tướng đồng thời nhấn mạnh cần bảo đảm thực chất, công khai, minh bạch, chống mọi tiêu cực, sách nhiễu, lợi ích nhóm, cạnh tranh không lành mạnh trên cơ sở theo đúng quy định pháp luật và phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam. Tuy nhiên, cũng cần tránh khuynh hướng chủ quan, nóng vội, trì trệ, bảo thủ, cản trở sự phát triển.
Không phải đến thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, biến thể mới xuất hiện khó lường, thì người đứng đầu Chính phủ mới nhấn mạnh quan điểm này. Trước đó, tại diễn đàn Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV và trong nhiều phiên họp của Chính phủ, Thủ tướng đã đề cập cần phải khẩn trương xây dựng chương trình quốc gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine; tháo gỡ bằng được mọi rào cản, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất bằng được vaccine phòng chống COVID-19.
Dịch bệnh COVID-19 với biến chủng mới tiếp tục hoành hành dữ dội trên toàn cầu. Số ca mắc mới và tỷ lệ tử vong tăng cao, hệ thống y tế ngày càng quá tải khiến nhiều quốc gia phải đối mặt với khủng hoảng chưa từng có. Nhu cầu vaccine phòng COVID-19 trên thế giới trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, khiến nguồn cung vaccine ngày càng khan hiếm. Với tầm nhìn xa là tìm giải pháp căn cơ để đưa đất nước thoát khỏi dịch bệnh, nên ngay khi dịch bùng phát, lan rộng tại nhiều nước, Đảng, Nhà nước ta đã quyết tâm thực hiện chiến lược vaccine. Chiến lược đặc biệt chú trọng định hướng tiếp cận nguồn vaccine từ bên ngoài, tăng cường hợp tác quốc tế để chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine, sớm tổ chức sản xuất vaccine trong nước.
Sau hai năm phòng, chống dịch COVID-19, Việt Nam đã đúc rút được các nguyên lý phòng, chống dịch dựa trên các trụ cột về cách ly, xét nghiệm, điều trị và phương châm “5K + vaccine + thuốc điều trị + công nghệ + đề cao ý thức người dân và các biện pháp khác”. Việt Nam đã chuyển hướng chiến lược từ “0 COVID-19” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Để phòng, chống dịch hiệu quả, từ thực tiễn của Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế cho thấy, vaccine có tính chất quyết định, cộng với ý thức người dân là rất quan trọng. Việc thúc đẩy sản xuất vaccine và thuốc điều trị sẽ giúp tăng cường năng lực y tế trong nước, góp phần phát triển ngành công nghiệp dược của Việt Nam.
Thực tế, hiện nay việc tiếp cận nguồn vaccine trên thế giới không dễ dàng, nguồn lực tài chính còn hạn chế, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 lại phải tiến hành lâu dài theo tinh thần “sống chung an toàn với dịch bệnh”. Bởi vậy, đảm bảo được nguồn vaccine phòng chống dịch trong dài hạn là một thách thức không nhỏ.
Quan điểm chỉ đạo nhất quán của Đảng, Nhà nước là quyết tâm sản xuất bằng được vaccine, thuốc điều trị trong nước để chủ động phòng chống dịch hiệu quả, tiết kiệm ngân sách và chứng minh được trí tuệ, sức sáng tạo của con người Việt Nam. Dựa trên kết quả nghiên cứu, sản xuất các loại thuốc và vaccine trong nhiều năm qua, Chính phủ quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm huy động các nguồn lực, phát huy năng lực sáng tạo, tinh thần tự lực tự cường của nhân dân, của ngành y tế, sự nỗ lực của các nhà khoa học, chuyên gia để sản xuất vaccine phòng COVID-19 với phương châm làm bài bản, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung trên cơ sở khoa học và thực tiễn chống dịch.
Từ các chính sách cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế, sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị liên quan, các doanh nghiệp, nhà khoa học, chuyên gia… đã tích cực vào cuộc, chủ động trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine và thuốc điều trị.
Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 9 loại vaccine được Bộ Y tế cấp phép sử dụng; đồng thời nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm lâm sàng và phát triển một số vaccine trong nước như Nanocovax, COVIVAC, ARCT-154, HIPRA, Sputnik V. Bên cạnh đó, một số loại thuốc điều trị đặc hiệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu… đang được một số đơn vị trong nước nghiên cứu. Bộ Y tế hướng dẫn các đơn vị trong việc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine COVID-19 từ các quốc gia khác như Cuba, Ấn Độ… và có thư gửi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) giới thiệu các đơn vị của Việt Nam tham gia chương trình tiếp nhận chuyển giao công nghệ mRNA.
Chắc chắn, hành trình để có được vaccine phòng COVID-19 mang tên “made in Vietnam” còn rất nhiều khó khăn, thách thức. “Trong cái khó ló cái khôn”, hơn bao giờ hết, cần phải phát huy trí tuệ, bản lĩnh của người Việt Nam trong nghiên cứu, sản xuất, chủ động nguồn vaccine, nhất là khi virus SARS-CoV-2 có thể tiếp tục biến chủng, nhiều loại dịch bệnh khác có thể xuất hiện trong tương lai.
Muốn thực hiện được yêu cầu này, đòi hỏi các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan cần quán triệt sâu sắc quan điểm không để “lợi ích nhóm” chi phối, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, không chịu bất cứ tác động, sức ép nào trong nghiên cứu và sản xuất vaccine.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn cần làm việc khách quan, trung thực, hiệu quả để đạt được mục tiêu đề ra trong chiến lược sản xuất vaccine. Các nhà khoa học, các chuyên gia, các đơn vị nghiên cứu, sản xuất cần kiên trì theo đuổi công việc vì mục tiêu khoa học, tinh thần nhân đạo và bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân, bởi tính mạng và sức khỏe nhân dân là quan trọng nhất.