Minh bạch thông tin

Những ngày này, không chỉ tại bệnh viện, câu chuyện về sởi và những cái chết thương tâm do biến chứng từ sởi “nóng” từ các văn phòng, khu dân cư đến các diễn đàn... Không khỏi bất ngờ, một cơ sở y tế hàng đầu ở nước ta về nhi khoa là Bệnh viện Nhi Trung ương lại trở thành tâm điểm của dịch sởi. Thật đáng lo ngại khi mức độ lan tỏa của bệnh sởi rất nhanh và rộng; số người chết và mắc rất nhiều, nhưng người dân lại thiếu thông tin về mức nguy hại của dịch cũng như số người tử vong.

 

Tại Hội nghị tăng cường công tác điều trị bệnh sởi diễn ra mới đây, lãnh đạo Bộ Y tế thừa nhận là bệnh sởi hiện đang diễn biến hết sức phức tạp. Nguyên nhân khiến dịch sởi lan rộng là do trẻ em không tiêm vắcxin phòng bệnh sởi; do nhiều gia đình cho trẻ bị bệnh đổ dồn về tuyến Trung ương, đặc biệt là Bệnh viện Nhi Trung ương (4 trẻ nằm chung một giường), dẫn tới tình trạng quá tải, lây chéo bệnh; khi xảy ra dịch, không có phương án đối phó ngăn chặn nguồn lây.


Phải thừa nhận rằng, đó là nguyên nhân cụ thể đã được ngành chủ quản chỉ đích danh. Nhưng nhìn rộng ra, thì nguyên nhân quan trọng, có ý nghĩa bao trùm nằm ở chất lượng công tác y tế dự phòng, bao gồm cả công tác chuyên môn, công tác tuyên truyền và trách nhiệm của cộng đồng. Có một thực tế không thể phủ nhận, bệnh sởi đã thực sự trở thành nỗi kinh hoàng đối với cả người lớn và trẻ em. Diễn tiến của dịch sởi trong thời gian qua quả là một bài học đắt giá, đặc biệt là bài học công tác phòng chống dịch bệnh cũng như lĩnh vực truyền thông về bệnh sởi.


Có rất nhiều bậc làm cha làm mẹ phải chịu nỗi đau mất con từ sởi, căn bệnh tưởng chừng là của quá khứ. Theo các chuyên gia y tế, đặc thù là bệnh truyền nhiễm dễ lây, “chỉ cần đi qua đầu giường một bé bị sởi đã có thể mắc sởi” (theo Chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia Nguyễn Trần Hiển), thì hậu quả đau lòng của bệnh sởi gây ra cũng là dễ hiểu. Vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm trong những ngày vừa qua là vì sao số ca mắc cũng như số trẻ tử vong liên quan đến sởi nghiêm trọng như vậy mà dịch sởi vẫn không được công bố (ở Philippine, khi 23 đứa trẻ bị chết vì sởi, họ đã tuyên bố toàn quốc dịch sởi để cảnh báo toàn dân và cũng để huy động mọi nguồn lực dập tắt nó). Thay vì được nghe một kế hoạch phòng chống dịch cấp tốc, khoa học và toàn diện, cùng một cơ sở vật chất đủ để phòng chống dịch, thì người dân lại được tiếp nhận thông điệp quy kết trách nhiệm do người dân quá lo lắng, thiếu hiểu biết, không chịu tiêm văcxin và vì chính quyền địa phương lơ là với dịch bệnh...


Từ góc độ người dân, có thể thấy họ không có đầy đủ thông tin về sởi. Thậm chí nhiều người còn lầm tưởng rằng bệnh sởi đã được giải quyết từ lâu. Cũng do thiếu thông tin, người dân không có ý thức chủ động tham gia phòng chống dịch bệnh, như là tự giác đưa con đi tiêm phòng thay vì làm cho họ sợ. Thực tế, với cách tổ chức đối phó với bệnh sởi như vừa qua, rõ ràng, hệ thống thông tin cần thiết để cảnh báo người dân, cảnh báo về khả năng diễn ra dịch không được coi trọng đúng mức.


Nhớ lại thời điểm xảy ra dịch Sars lan nhanh (năm 2003), gây hậu quả nghiêm trọng ở nước láng giềng Trung Quốc, nhưng đã giấu thông tin khiến dịch bùng phát dữ dội, truyền ra nhiều nước khác làm nhiều người tử vong. Chính việc giấu giếm thông tin, đã tạo hiểm họa lớn cho cả nhân loại. Chắc rằng, đây là bài học sẽ được đề cập không chỉ một lần.


Còn với hậu quả của dịch sởi vừa xảy ra ở nước ta, rồi sẽ chẳng có ai phải chịu bất cứ một trách nhiệm gì về việc thông tin thiếu và chậm, kém minh bạch. Nhưng cái chết của những đứa trẻ vô tội vì bệnh sởi, thì mãi là nỗi đau thức tỉnh!

 

Yến Nhi

Cần hạn chế việc lây chéo bệnh sởi
Cần hạn chế việc lây chéo bệnh sởi

Dù số ca mắc mới tại bệnh viện Nhi TƯ có giảm, nhưng điều đáng lo ngại là số bệnh nhân mắc mới là bệnh nhân của các khoa khác trong bệnh viện vẫn tăng: Chiếm 85/101 bệnh nhi mắc sởi mới trong 3 ngày từ 17-20/4.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN