Dịp 20/11 năm nay, nhiều tờ báo thông tin một trường mầm non tư thục ở Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi thông báo đến các bậc phụ huynh là không nhận tất cả các loại quà, dù là bất cứ hình thức nào. Ngay lập tức, thông tin trên được nhiều người chia sẻ. Rất nhiều ý kiến bày tỏ, đó là thông điệp giản dị, đẹp đẽ và đó chính là món quà ý nghĩa được tập thể cán bộ, giáo viên của trường mầm non nói trên tặng cả xã hội trong dịp lễ trọng.
Trong suy nghĩ của nhiều người, tặng hoa thầy cô giáo nhân ngày 20/11 là thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, tỏ lòng tri ân đến công ơn dạy dỗ của thầy cô. Nhưng nhiều năm trở lại đây, việc tặng hoa, tặng quà các thầy cô đã dần bị biến tướng, không chỉ ở ngày 20/11, mà còn ở nhiều ngày lễ, ngày kỷ niệm khác. Rất nhiều bậc phụ huynh, cứ đến ngày này lại canh cánh nỗi lo phải tặng gì cho thầy cô. Không chỉ tặng quà, giờ việc “tặng” phong bì thay cho lời tri ân cũng khá phổ biến. Phụ huynh này làm, phụ huynh khác làm theo, dần trở thành trào lưu, cứ thế văn hóa “phong bì” ngấm vào họ lúc nào không biết và dần chi phối mối quan hệ thầy trò.
Ngày Nhà giáo rõ ràng đang bị mai một đi nét đẹp truyền thống của tình thầy trò. Có lẽ nhận thức rõ được việc này, nên dịp 20/11 năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi các bộ, ngành; các đoàn thể Trung ương; các tỉnh, thành phố; các trường đại học, học viện, viện; các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp; các sở giáo dục và đào tạo về chủ trương không tổ chức tiếp khách, không nhận hoa chúc mừng tại trụ sở cơ quan Bộ và Cơ quan Đại diện của Bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cũng có văn bản đề nghị được nhận thiệp điện tử chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, không nhận hoa, thiệp giấy, hạn chế các đơn vị đến chúc mừng.
Thể hiện lòng tự trọng với một nghề cao quý, rất nhiều thầy cô đã có những trăn trở, thậm chí là nỗi ưu phiền khi xã hội có cách nhìn khác về hình ảnh thầy cô giáo. Không thể phủ nhận, trào lưu “thương mại hóa” giáo dục trong thời gian qua ít nhiều đã có tác động tiêu cực về tình thầy trò. Chuyện mua điểm mua thầy; cả chuyện đổi điểm lấy tình mà báo chí thông tin; rồi chuyện vật chất, tiền bạc làm khuynh đảo tình nghĩa thầy trò là có thật. Nhưng không vì thế mà hình ảnh người thầy bị méo mó.
Tuy nhiên, không phải thầy cô nào cũng bị vật chất mua chuộc. Lỗi không phải ở các thầy cô, mà lỗi ở chính các bậc phụ huynh. Thực tế, nhiều gia đình kinh tế khá giả chọn dịp này mua chuộc thầy cô bằng tiền và vật chất đã làm méo mó tình thầy trò. Có lẽ vì thế mà trong ngày vui của mình, có không ít thầy cô giáo phải trốn chạy, tắt điện thoại di động, từ chối tiếp phụ huynh học sinh, từ chối những món quà không trong sáng! Nhiều thầy cô thương những cô cậu trò nghèo ở các vùng quê hẻo lánh, dành cả tiền lương, áo mặc cho học sinh. Nhiều thầy cô giáo trẻ, hy sinh cả tuổi xuân của mình, bám trường, bám bản, đem cái chữ đến học sinh miền núi, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo.
Không thể nghĩ khác về ý nghĩa của việc tặng hoa, tặng quà thầy cô giáo dịp 20/11. Truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam có từ lâu đời và truyền thống đó mãi mãi được phát huy, là dịp để người học trò thể hiện lòng tri ân đối với các thầy cô giáo. Tuy nhiên, đừng để những toan tính nặng tính vật chất làm vẩn đục giá trị của những bông hoa, món quà dành để tri ân công lao các thầy cô.
Với các bậc phụ huynh, hãy trả ơn các thầy cô bằng việc giáo dục con cái nhận thức sâu sắc và có những việc làm thiết thực thể hiện sự biết ơn công lao người dạy dỗ con cái họ thành người. Còn với những người học trò, sự trả ơn các thầy cô là sự nỗ lực trong học tập, là sự cần mẫn, chăm chỉ, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, để trở thành người thực sự có ích cho xã hội. Đó chính là món quà lớn nhất mà các em dành tặng cho thầy cô.
Yến Nhi